Bài 3: Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp rối bời 'nín thở' chờ hướng dẫn
Vậy là Việt Nam đã chính thức “mở toang” cánh cửa du lịch với quốc tế. Thế nhưng, dù thời điểm mở cửa đã qua một ngày song vẫn chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch - đơn vị được Chính phủ giao là “đầu mối” soạn thảo.
Sự chậm trễ này khiến các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành… trên cả nước như “ngồi trên lửa.” Họ vừa phải “nín thở” chờ chính sách mới được quyết vừa rối bời bởi đối tác muốn đặt tour, giao dịch mà không thể vì mọi quy định từ Việt Nam vẫn chưa đầy đủ.
Cửa đã mở nhưng vẫn... chờ
Những ngày này, doanh nghiệp du lịch Việt Nam buồn, vui lẫn lộn. Vui vì toàn ngành sau thời gian dài “chết lâm sàng” nay đã thấy cánh cửa hồi sinh. Buồn vì mỏi mòn chờ đợi chính sách, chờ hướng dẫn chính thức công bố để vận hành guồng máy và bàn thảo, ký hợp đồng với đối tác.
Bà Đỗ Ngọc Ánh, CEO Công ty Bản sắc Mekong chia sẻ: “Lần đầu vấp phải đại dịch nên phát sinh nhiều tình huống khiến doanh nghiệp vô cùng bối rối. Ví dụ, khách mua tour chuyển tiền cho mình rồi, trước ngày bay test lên dương tính, không đi được nữa thì chúng tôi chưa biết phải tính phí hủy thế nào. Vì chắc chắn vé máy bay bên mình không được hoàn miễn phí, một số khách sạn cũng sẽ tính phí hủy vì sát ngày đi rồi. Mà theo điều khoản hoàn hủy quốc tế tour thì công ty phải hoàn lại 100% cho khách nếu họ bị nhiễm COVID-19. Nên thật sự doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.”
[Cần nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản để sớm phục hồi hoạt động du lịch]
Theo bà Ngọc Ánh, đó là chưa kể tình trạng giá tour sẽ buộc phải tăng do ảnh hưởng của giá xăng tăng kéo theo giá vận chuyển tăng, khách sạn cam kết giữ giá nhưng nhà hàng thì 90% là đóng cửa. Những nhà hàng cũ từng là đối tác thì chưa có kế hoạch quay lại hoạt động và việc tìm nhà hàng khác, với chi phí cao hơn là điều rất dễ xảy ra.
"Trong khi đó, để thu hút khách, phía công ty phải giữ giá bằng năm 2019, thậm chí còn giảm giá để kích cầu. Vì thế, doanh nghiệp xác định năm nay đón khách inbound là không lợi nhuận. Thậm chí, nếu có phát sinh thêm gì nữa là coi như ‘toi’ luôn,” bà Ngọc Ánh nói.
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam chỉ cần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính bằng PCR hoặc test nhanh, khai báo y tế, sử dụng PC-Covid và không phải cách ly. Có nghĩa quy định này là vô cùng thông thoáng, thậm chí còn không áp dụng cả chính sách hộ chiếu vaccine như các nước trên thế giới.
Về vấn đề này, bà Linda Phương, CEO một doanh nghiệp chuyên thị trường khách Trung Quốc, Đài Loan bày tỏ sự lo ngại: “Khách sang Việt Nam mà test ra dương tính thì xử lý thế nào, trong hướng dẫn của Bộ Y tế tôi chưa thấy đề cập.”
Dẫu vậy, với những đề xuất quy định cách ly y tế như hiện nay, đại diện các doanh nghiệp bước đầu đều cảm thấy phấn khởi, bởi “mở cửa là tốt rồi, làm đến đâu sửa đến đó vậy, chứ dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, ai cũng đều bối rối cả.”
Một số đơn vị lữ hành chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam cho hay có tín hiệu rất tích cực là thị trường châu Âu từ tháng 10 sẽ đông khách trở lại. Vấn đề là hiện nay doanh nghiệp vẫn "rón rén" vì phải nghe ngóng chính sách, quy định mới chứ chưa dám bán tour mạnh ở thời điểm đầu mở cửa.
Một số CEO du lịch buồn rầu cho biết nhiều khách hỏi tour tháng 4-5-6 nhưng buộc lòng phải khuyên khách chưa nên đi vì chưa có quy định rõ ràng.
Điều mà các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trong nước mong mỏi là khi chốt các phương án và có hướng dẫn cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần gửi thêm một văn bản bằng tiếng Anh có dấu đỏ để các doanh nghiệp tiện gửi đi cho khách một cách chính thống.
Du khách cần mua bảo hiểm du lịch khi vào Việt Nam
Liên quan đến việc mở cửa cho khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề xuất gửi Chính phủ yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD. Trong khi đó, một số quốc gia hiện không yêu cầu khách phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch.
Về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết: “Luật Du lịch đã quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch. Như vậy, mua bảo hiểm du lịch là thực hiện theo pháp luật của Việt Nam.”
Thực tế, các nước như Singapore cũng quy định du khách cần phải có bảo hiểm du lịch cho các chi phí điều trị y tế và nhập viện liên quan đến COVID-19 tại quốc đảo này, với mức bảo hiểm tối thiểu là 30.000 đô la Singapore (tương đương 22.000 USD).
Từ ngày 01/3/2022, Thái Lan yêu cầu khách du lịch quốc tế mua bảo hiểm du lịch bao gồm chi phí điều trị COVID-19 mức bảo hiểm không dưới 20.000 USD. Bảo hiểm du lịch cho thị thực Schengen vào châu Âu có giá trị tối thiểu là 30.000 EUR (tương đương 35.000 USD).
“Như vậy Việt Nam yêu cầu mức bảo hiểm du lịch tối thiểu 10.000 USD là hợp lý,” ông Chính khẳng định.
Trước đó, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng đã từng đề xuất Chính phủ cần quy định bảo hiểm du lịch bắt buộc, bao gồm cả bảo hiểm COVID-19 cho tất cả du khách quốc tế đến Việt Nam (khách nhập cảnh) và du khách Việt Nam ra nước ngoài (khách xuất cảnh). Mục đích của bảo hiểm COVID-19 là để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho du khách, các đại lý du lịch cũng như chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến đi hay kiểm tra, cấp cứu, sơ tán y tế, hồi hương…
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho rằng: “So với đề xuất trước đây yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD, tôi nghĩ mức này là phù hợp và tôi ủng hộ. Để có được mức trách nhiệm trên, du khách trả 30-40 USD cho mỗi chuyến đi là chấp nhận được và cạnh tranh với các nước trong khu vực.”
“Thực tế, chúng tôi cũng khuyên khách mua cao hơn và bắt buộc để khi có mắc COVID-19 trong quá trình đi tour thì cũng dễ dàng xử lý hơn. Lux Travel Dmc đã đưa vào điều khoản bắt buộc du khách phải mua khi tham gia các tour Vietnam Test and Go 2022 đang chào bán trên website thương mại điện tử www.luxtraveldmc.com.”
Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh, các doanh nghiệp mong muốn được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp để phục hồi và phát triển nền kinh tế xanh; đối thoại với doanh nghiệp cùng hướng tới thị trường mục tiêu để thu hút khách lâu dài; xây dựng các điểm đến du lịch bền vững hơn nhằm định vị thương hiệu du lịch Việt Nam có chất lượng, uy tín và độc đáo./.
Bài 1: Xu hướng du lịch giai đoạn ‘mở cửa phục hồi’ 2022 sẽ thế nào?
Bài 2: ‘Phát súng thí điểm' sẽ mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt
Bài 4: Các địa phương sẽ làm gì để khẳng định lại vị thế du lịch Việt Nam?
Bài 5: Du lịch được ‘cởi trói’ liệu có thể giúp rút ngắn những ‘bước đi dài?