Mở kho dầu dự trữ để hạ nhiệt giá nhiên liệu, Mỹ 'bỏ muối vào bể'?

Mỹ thông báo sẽ giải phóng hàng triệu thùng dầu từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) với sự phối hợp cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh, để cố gắng hạ nhiệt giá dầu.
Mở kho dầu dự trữ để hạ nhiệt giá nhiên liệu, Mỹ 'bỏ muối vào bể'? ảnh 1Lái xe tải bơm đầy xăng cho phương tiện tại một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, bang Utah, Mỹ ngày 29/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mở kho dự trữ dầu là bước đi mới nhất của Chính phủ Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu. Song, một số chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ không có tác động nhiều đến cán cân cung cầu trên thị trường “vàng đen” khi lượng dầu tung ra thị trường quá nhỏ.

Quyết tâm của Mỹ

Ngày 23/11, Mỹ thông báo sẽ giải phóng hàng triệu thùng dầu từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) với sự phối hợp cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh, để cố gắng hạ nhiệt giá dầu sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, “lờ đi” lời kêu gọi gia tăng nguồn cung. Đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái phối hợp như vậy với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới ở châu Á.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ xuất kho 50 triệu thùng dầu, tương đương nhu cầu của Mỹ, trong hai ngày rưỡi. Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ tung ra 5 triệu thùng, còn Anh cho phép giải phóng 1,5 triệu thùng từ các nguồn dự trữ tư nhân. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về số lượng và thời gian xuất kho dầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc không được công bố.

Trong một phát biểu, ông Biden cho biết Chính phủ Mỹ đang hành động để thực hiện cam kết trước đó về việc giải quyết vấn đề về giá năng lượng. Ông khẳng định sẽ mất một thời gian, song giá xăng sẽ giảm và về lâu dài nước Mỹ sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ khi chuyển sang năng lượng sạch.

Nỗ lực của Mỹ phối hợp với các nền kinh tế lớn ở châu Á để giảm giá năng lượng đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với OPEC và các nhà sản xuất lớn khác rằng họ cần giải quyết mối lo ngại về giá dầu thô cao, vốn tăng hơn 50% cho đến nay trong năm nay.

Giá dầu thô gần đây đã chạm mức cao nhất trong bảy năm và người tiêu dùng đang hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực do đà tăng của chi phí nhiên liệu. Giá xăng bán lẻ đã tăng hơn 60% vào năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2000, do nhu cầu đi lại gia tăng khi các hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra giảm bớt.

Giá dầu cao là do nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ và các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu việc giải phóng kho dầu dự trữ có đủ để kiềm chế đà tăng giá của “vàng đen."

Tác động thực sự

Sau khi Mỹ thông báo sẽ giải phóng hàng triệu thùng dầu từ SPR, giá dầu thế giới trong phiên 23/11 tăng lên mức cao của một tuần. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,61 USD (3,3%) lên 82,31 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,75 USD (2,3%) lên 78,50 USD/thùng. Đây là mức tăng phần trăm lớn nhất tính theo ngày của dầu Brent kể từ tháng 8/2021 và là mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 16/11.

Theo các nhà phân tích, đà tăng của giá dầu đã phản ánh những nghi ngờ về việc liệu động thái của Chính phủ Mỹ có làm thay đổi đáng kể tác động qua lại giữa cung và cầu trên thị trường dầu thô toàn cầu hay không.

[Mỹ thông báo xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược]

Chuyên gia phân tích Andy Lipow thuộc công ty tư vấn Lipow Oil Associates, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng động thái này chỉ mang tính biểu tượng vì rất khó để để giảm giá xăng trừ khi nguồn cung tăng vọt.

Chuyên gia kinh tế hàng hóa Caroline Bain tại công ty tư vấn kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại Anh, cho rằng biện pháp trên không đủ mạnh để hạ giá dầu và thậm chí có thể phản tác dụng nếu động thái này thúc đẩy OPEC+ làm chậm tốc độ tăng sản lượng.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng biện pháp trên đi ngược với nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm "khử carbon trong nền kinh tế" và không khuyến khích phát triển các dự án mới về khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Thượng nghị sỹ John Barrasso, thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban năng lượng Thượng viện cho rằng sử dụng SPR sẽ không giải quyết được vấn đề.

Phản ứng của OPEC+

OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận về chính sách sản lượng nhưng cho đến nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào cho thấy các nhà sản xuất này sẽ thay đổi chiến lược. Hiện OPEC+ vẫn đang phải vật lộn để hoành thành mục tiêu tăng dần sản lượng trong khi họ tiếp tục lo lắng sự bùng phát trở lại các ca mắc COVID-19 làm giảm nhu cầu.

Câu hỏi cần đặt ra hiện nay là liệu OPEC+ sẽ phản ứng như thế nào trước thông báo của Mỹ. Chuyên gia James Williams của công ty tư vấn về năng lượng WTRG Economics (Mỹ) cho rằng thông báo của ông Biden làm tăng khả năng OPEC+ sẽ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12/2021 và thu hẹp kế hoạch nâng sản lượng vào tháng 1/2022.

Mở kho dầu dự trữ để hạ nhiệt giá nhiên liệu, Mỹ 'bỏ muối vào bể'? ảnh 2Các bể trữ dầu của Công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn nữa, trên thực tế, OPEC cũng không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng nhanh hơn. OPEC+ từng thông báo từ tháng 8/2021 sẽ tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022 nếu tăng quá nhanh sản lượng.

Vấn đề là OPEC+ hiện thậm chí không thể đạt được mục tiêu trên. Trước đây, vào các thời điểm giá dầu quá thấp, các nhà sản xuất nhỏ trong OPEC ở châu Phi và một số nhà sản xuất dầu lớn hơn ở vùng Vịnh có thể tăng sản lượng nhiều hơn mức mà OPEC đặt ra. Nhưng hiện tại, do những tác động của dịch COVID-19, vấn đề môi trường, chỉ có ba thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã hối thúc OPEC+ giảm sản lượng dầu vào năm 2020, khi giá dầu giảm mạnh và đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. OPEC+ đã đồng ý cắt giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu - một con số kỷ lục.

Khi nhu cầu tăng trở lại nhanh hơn dự kiến, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden lại liên tục gây sức ép với OPEC+ để tăng nguồn cung, với lý do giá dầu thô tăng cao có thể cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, công ty tham vấn về năng lượng Energy Aspects (Anh) nhận định OPEC+ sẽ không phản ứng trước sức ép về tăng nguồn cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.