Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với mục tiêu để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi cần phải xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, thiết kế lại các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội sao cho phù hợp với các nhóm đối tượng.
[Thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện]
Đây là thông tin được đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến về chủ đề cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với nội dung “Để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội” do Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội.
Mở rộng sang khu vực phi chính thức
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nghị quyết cũng nhắc tới việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cho hay, Nghị quyết số 28-NQ/TW được nhiều chuyên gia đánh giá là có rất nhiều điểm mới trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
“Không chỉ các chuyên gia trong nước, ngay các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đánh giá các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực và đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO,” ông Phạm Trường Giang nói.
Những điểm mới về tư duy nhận thức trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội thể hiện toàn diện trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, các nhiệm vụ, giải pháp.
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 80% năm 2021, 85% năm 2025 và 90% năm 2030.
“Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi bảo hiểm xã hội không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước," ông Phạm Trường Giang cho biết.
Trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng. Bên cạnh đó, nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới không có người cao tuổi nào trong xã hội không có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước hoặc từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Chính sách cần phải "mở" trước
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu về việc mở rộng diện bao phủ xã hội rất cụ thể trong từng giai đoạn. Thế nhưng, để thực hiện mục tiêu này còn nhiều khó khăn và thách thức.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra một thực tế: “Mỗi năm, chúng ta thu hút người vào hệ thống bảo hiểm xã hội là 800.000 người, tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý một con số, đó chính là, có khoảng 600.000 người rời khỏi hệ thống/năm. Đây là vấn đề tác động rất cơ bản đến số lượng người tham gia bao hiểm xã hội và chính độ bao phủ có vấn đề.”
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, giải pháp đầu tiên để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội là phải giữ những người đã vào, hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Trong khi lấy một lần rất thiệt nhưng người dân không rõ là do chính công tác truyền thông. Chúng ta phải giải thích để họ hiểu nếu hưởng một lần khi về già thì lương hưu ở đâu?” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo 30% số đóng, cận nghèo 25% và 10% cho các đối tượng khác. Tuy nhiên ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng mức hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn, muốn đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc độ bao phủ thì Nhà nước cần cân nhắc hỗ trợ mức cao hơn, hấp dẫn hơn.
Chỉ ra tồn tại, khó khăn nữa của cơ quan tổ chức thực hiện, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thừa nhận, mặc dù đã đơn giản hóa tối đa với người tham gia, tuy nhiên, cách thức tổ chức để tiếp cận, vận động người dân còn có vấn đề.
“Để tiếp cận với các nhóm đối tượng khác nhau, có nhu cầu và điều kiện khác nhau thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay vẫn chưa có được cách tiếp cận phù hợp,” ông Đinh Duy Hùng cho hay.
Theo ông Đinh Duy Hùng, trên cơ sở nhận định được những khó khăn, vướng mắc đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có những kế hoạch, giải pháp khắc phục những tồn tại trong khâu tổ chức thực hiện; bên cạnh đó, cũng có những ý kiến tham mưu, đề xuất với những cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Các đại biểu nhấn mạnh, muốn mở rộng bảo hiểm xã hội đến với tất cả người lao động thì đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu “mở” chính sách để làm sao nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thay vì chỉ có hai chế độ tử tuất và hưu trí như hiện tại. Có như vậy, độ hấp dẫn, thiết tha với chính sách bảo hiểm xã hội mới tăng lên./.