Khi Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo ra đi ngày 31/8, ông để lại tổ chức 164 thành viên này trong tình trạng tồi tệ.
WTO thậm chí còn không thể thống nhất được một người kế nhiệm tạm thời và chỉ hoàn tất được một cuộc đàm phán thương mại toàn cầu trong 25 năm.
Mỹ, quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích gay gắt WTO. Điều này ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán, gián tiếp làm ảnh hưởng đến hệ thống giải quyết các tranh chấp của tổ chức này.
Và bây giờ, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã "khai hỏa" một cuộc tấn công khác.
Trong một bài báo gần đây trên Wall Street Journal, ông tuyên bố rằng nguyên tắc cốt lõi của WTO đang bị phá hoại.
[WTO đối mặt khó khăn sau khi ông Azevedo rời vị trí "thuyền trưởng"]
Theo tạp chí Economist của Anh, lời than phiền của ông Lighthizer liên quan đến nguyên tắc "tối huệ quốc" (MFN).
Các thành viên của WTO nên áp dụng cùng một mức thuế đối với tất cả các đối tác thương mại.
Ví dụ, Mỹ nên áp dụng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tương tự như đối với hàng hóa sản xuất tại châu Âu.
Cũng theo nguyên tắc này, việc cắt giảm thuế quan theo thỏa thuận với một quốc gia cũng nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia khác.
Tuy nhiên, WTO cũng cho phép một ngoại lệ lớn đối với MFN. Hai hoặc nhiều quốc gia thành viên có thể ký kết các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA), theo đó xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mọi hoạt động thương mại - nhưng chỉ giữa các thành viên với nhau.
Những thỏa thuận này làm ông Lighthizer tức giận, đặc biệt là đối với Liên minh châu Âu (EU) vì cho rằng EU đã khôi phục lại "hệ thống ưu đãi thuộc địa" thời kỳ trước chiến tranh, thông qua 72 thỏa thuận ký với các nước nhỏ và thúc đẩy "các biện pháp bảo hộ được che đậy sơ sài," chẳng hạn như các quy định về cái có thể được gọi là "phomát dê mặn" hay "rượu sâm banh." Ông Lighthizer có lý.
Một phần do quá khó để đạt được sự đồng thuận trong việc cắt giảm thuế quan đa phương tại WTO, số lượng PTA đã tăng từ 50 vào đầu những năm 1990 lên khoảng 300 vào năm 2019.
Kết quả là mặc dù hầu hết thương mại vẫn diễn ra trên cơ sở MFN, nhưng trong năm 2016, khoảng 28% thương mại toàn cầu được hưởng mức thuế bằng 0 theo một thỏa thuận ưu đãi nào đó.
Trung bình, thương mại theo các thỏa thuận ưu đãi sẽ chịu mức thuế thấp hơn 7,4% hoạt động thương mại của các nước không thuộc thỏa thuận ưu đãi đó.
Các thỏa thuận ưu đãi đã làm tăng hoạt động thương mại, nhưng chúng cũng làm chuyển hướng thương mại.
Mặc dù các thỏa thuận này thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia liên quan, song xuất khẩu của những quốc gia khác có thể bị thu hẹp.
Ví dụ, PTA gần đây giữa Canada và EU sẽ giúp hạ thuế của châu Âu đối với tôm hùm Canada, tất nhiên là không hạ đối với tôm hùm của Mỹ.
Thị phần của Canada trên thị trường tôm hùm EU tăng lên, trong khi thị phần của Mỹ thu hẹp lại.
Vì vậy, ngày 21/8, ông Lighthizer đã ký kết một thỏa thuận với EU nhằm loại bỏ lợi thế này của Canada. EU đã giảm thuế tôm hùm cho tất cả các nước.
Đổi lại, Mỹ cắt giảm thuế MFN đối với hàng hóa, bao gồm bật lửa và đồ pha lê, những mặt hàng mà trong năm ngoái châu Âu đã xuất khẩu 160 triệu USD vào Mỹ.
Những người ủng hộ PTA cho rằng cuối cùng thì các PTA đã củng cố hệ thống đa phương.
Các PTA thuyết phục các nước khác đàm phán cắt giảm thuế quan (thỏa thuận vừa qua của ông Lighthizer là một ví dụ thích hợp).
Và các PTA cũng mở ra các lĩnh vực hợp tác mới. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một thỏa thuận do Mỹ thiết kế nhưng sau đó rút lui bởi ông Trump và được các đối tác còn lại thông qua - bao gồm các ưu đãi thuế quan cũng như các quy định về những thứ khác, như trợ cấp, nhằm khuyến khích sự cải cách ở Trung Quốc, một quốc gia không phải là thành viên.
Trong khi đó, những người chỉ trích PTA phản bác lại rằng các PTA trên thực tế không làm được gì nhiều để thúc đẩy tự do thương mại đa phương.
Ví dụ, Ấn Độ đã được hưởng thuế suất thấp khi vào thị trường Mỹ và châu Âu theo MFN, và thật là ngây thơ khi nghĩ rằng nước này sẽ sớm mở cửa thị trường của mình.
Sự gia tăng của các PTA cũng làm cho thương mại trở nên phức tạp hơn, cần có "quy tắc xuất xứ" khó hiểu để quyết định xem liệu những hàng hóa là sản phẩm của các chuỗi cung ứng quốc tế có đủ điều kiện để được miễn thuế hay không.
Những người chỉ trích từ lâu đã so sánh sự hỗn độn chồng chéo của các thỏa thuận này giống như một "bát mỳ spaghetti."
Mặc dù quan điểm chung của ông Lightizer là như thế, nhưng Mỹ vẫn là nước nhiệt tình với loại thỏa thuận mà ông Lightizer đặt nghi ngờ này.
Một nghiên cứu của các ông Jurgen Richtering và Thomas Verbeet đến từ WTO cho thấy rằng trong năm 2016, tỷ lệ thương mại của Mỹ được hưởng các ưu đãi theo các hiệp định thương mại có đi có lại lớn hơn của Canada, Nhật Bản, thậm chí là cả EU.
Ông Lighthizer thừa nhận các thỏa thuận khuyến khích hội nhập khu vực, như thị trường chung của EU hoặc thỏa thuận của Mỹ với Mexico và Canada, đều tốt.
Nhưng nét đặc biệt này dường như dành sự ưu ái cho các nước lớn như Mỹ, những nước sau đó có thể bắt các nước láng giềng nhỏ hơn làm con tin, đồng thời loại bỏ các thỏa thuận ưu đãi của châu Âu với các thuộc địa cũ của những nước thành viên.
Ông Lighthizer đã không ngừng theo đuổi các thỏa thuận với Anh, Nhật Bản và Kenya. Năm 2017, ông tuyên bố ưu tiên các hiệp định song phương hơn các hiệp định đa phương khi lập luận rằng nước Mỹ với nền kinh tế 18.000 tỷ USD có thể đàm phán riêng lẻ tốt hơn.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng nhiệt tình sử dụng các mức thuế mang tính chất phân biệt đối xử để buộc các đối tác nhượng bộ.
Chỉ trong hơn ba năm cầm quyền, ông Lighthizer đã áp dụng thuế quan như vậy đối với khoảng 70% hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như đối với thép châu Âu.
Ông Lighthizer có thể phàn nàn về việc người châu Âu áp đặt tiêu chuẩn của mình lên phần còn lại của thế giới. Nhưng những người khác cũng có thể lớn tiếng phàn nàn về việc người Mỹ cũng làm như vậy, chẳng hạn như các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà ông đã đàm phán với Mexico và Canada.
Sau một thời gian dài chìm trong khó khăn, sự xuất hiện của Tổng Giám đốc WTO mới sẽ tạo cơ hội cho một cuộc thảo luận thẳng thắn về tương lai của tổ chức này.
Ông Lighthizer có lý khi phàn nàn về sự trì trệ của hệ thống đa phương. Tuy nhiên, điều trớ trêu trong sự chỉ trích của ông là có lẽ sẽ cần phải có một Chính quyền Mỹ mới, cam kết hỗ trợ thay vì phá hoại, trước khi WTO có thể được hồi sinh./.