Một số chính sách mới về xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 9

Nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; mức trợ cấp, phụ cấp mới cho người có công với cách mạng... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9.
Một số chính sách mới về xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 9 ảnh 1Học trường Tiểu học Minh Khai, thành phố Hà Giang được do thân nhiệt và sát khuẩn trước khi vào lớp. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; mức trợ cấp, phụ cấp mới cho người có công với cách mạng; thời giờ làm việc của người lao động trong hầm lò... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9.

Nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/9. Theo đó, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhiều điểm đáng chú ý.

Theo Thông tư, việc xếp loại học lực và hạnh kiểm của học sinh theo các mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt, thay vì xếp loại học lực là Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và xếp loại hạnh kiểm là Tốt, Khá, Trung bình, Yếu như trước đây.

Thông tư 22 không còn quy định về danh hiệu học sinh tiên tiến mà chỉ khen tặng danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc.

Cụ thể, cuối năm học, Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh: Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có Điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.

[Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9 sắp tới]

Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.

Ngoài ra, Hiệu trưởng khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Bên cạnh đó, Điều 9 Thông tư này quy định, học sinh sẽ được xếp loại học lực ở mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên.

Trong khi đó, theo quy định cũ, để được xếp loại học lực giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong ba môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ phải đạt từ 8,0 trở lên (điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT).

Mức trợ cấp, phụ cấp mới cho người có công với cách mạng

Từ ngày 15/9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về các quy định liên quan đến mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công có hiệu lực.

Nghị định này quy định Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được hưởng mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng là 4.872.000 đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% trở lên được hưởng trợ cấp từ 1.695.000 đồng đến 4.137.000 đồng, tùy vào tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Một số chính sách mới về xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 9 ảnh 2Phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội, tổ chức chi trả cho 383 đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội và cận nghèo, sáng 18/8. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo Nghị định, thân nhân của liệt sỹ khi đi thăm viếng mộ liệt sỹ sẽ được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho tối đa 3 ngày, mức hỗ trợ được tính là 3.000 đồng/km/người.

Mức hỗ trợ cất bốc hài cốt liệt sỹ được quy định là 4 triệu đồng cho mỗi hài cốt liệt sỹ, nếu thân nhân liệt sỹ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ thì được hỗ trợ kinh phí xây mộ liệt sỹ là 10 triệu đồng/mộ.

Thời giờ làm việc của người lao động trong hầm lò

Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Theo đó, ca làm việc của người lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 1 ngày.

Thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 7 giờ trong 1 ngày và không quá 42 giờ trong 1 tuần.

Về làm thêm giờ của người lao động trong hầm lò, Thông tư quy định: Bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm. Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.

Người tham gia bảo hiểm xã hội có thêm nhiều quyền lợi

Ngày 1/9 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội.

Thông tư này có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể như bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

Thông tư cũng bổ sung thêm trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.

Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)...

Siết chặt quảng cáo xuyên biên giới

Có hiệu lực từ ngày 15/9, Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nhiều nội dung đáng chú ý về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Trước đây, Nghị định 181/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, thiếu chế tài xử lý vi phạm, các hình phạt chưa đủ sức răn đe và chưa thể hiện hết quyền lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với Nghị định 70/2021/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý quảng cáo xuyên biên giới sẽ tập trung về Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Theo Nghị định 70/2021/NĐ-CP, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc, nghĩa vụ được quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo và các quy định sau: Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung như tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Nghị định quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 5 ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục