“Một Sơn La, ba điểm đến” là câu nói quen thuộc về ba thế mạnh nổi trội của tỉnh Sơn La hiện nay. Đó là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của lòng hồ thủy điện Sơn La; là cao nguyên Mộc Châu, vùng đất được ví như “Đà Lạt của vùng Tây Bắc”; là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với chính sách cởi mở và thân thiện.
Bước chuyển thần kỳ trên cao nguyên xanh Mộc Châu
Trong những năm gần đây, cao nguyên Mộc Châu là vùng đất nổi tiếng được ví như “Đà Lạt của vùng Tây Bắc”. Còn nhớ, cách đây chừng hơn chục năm, cuộc sống ở Mộc Châu rất khó khăn. Người dân ở đây đa phần là đồng bào các dân tộc Thái, Si La, La Ha di dân từ vùng lòng hồ thủy điện lên nên hầu như không biết gì đến việc trồng chè và nuôi bò sữa, vì thế gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống mới. Thậm chí có nhà khoa học khi đi khảo sát thực tế đã phải thốt lên rằng: “Mộc Châu có chè siêu củi và bò siêu xương”, ý nói bà con trồng chè thì chè chỉ cho củi, còn nuôi bò thì bò gầy giơ xương!!!
Không nản chí trước thất bại, chính quyền và nhân dân huyện Mộc Châu từng bước tổ chức các lớp truyền dạy khoa học kỹ thuật, phương pháp trồng chè, nuôi bò sữa và cung ứng vốn đến tận từng bản. Sau nhiều năm kiên trì vất vả, đến nay công sức bỏ ra đã cho quả ngọt, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Mộc Châu như chè Shan tuyết, chè Ô Long Mộc Châu, sữa Mộc Châu giờ đã có mặt ở khắp các siêu thị lớn trên cả nước.
Đến thăm gia đình ông Đèo Văn Năm, một gia đình người Thái mà chúng tôi đã có dịp gặp từ hồi năm 2004 khi mới di cư từ dưới Quỳnh Nhai lên Mộc Châu. Cơ ngơi của ông Năm hôm nay là những đồi chè xanh ngút tầm mắt và những đàn bò sữa béo tốt đang nhẩn nha gặm cỏ trên thảo nguyên xanh.
Gặp lại cố nhân, ông Năm hồ hởi: “Mộc Châu đúng là đất tốt chú ạ! Nếu trồng và chăm sóc đúng quy trình thì không cây gì là không đơm hoa kết trái".
Lời ông Năm phần nào phản ánh đúng đời sống khấm khá bây giờ của người Mộc Châu. Chẳng nói đâu xa, cách nhà ông Năm không xa là trang trại của ông Lâm Thanh Trân, người được mệnh danh là “Vua bò sữa Mộc Châu.” Ông Trân cũng có khởi nghiệp lận đận giống ông Năm, thế mà giờ đã có trong tay 30 con bò sữa, mỗi năm cho thu hoạch chừng 200 tấn sữa, thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Quả là một con số đáng mơ ước, ngay cả đối với những người sống ở Hà Nội như chúng tôi.
Chiều hôm ấy theo chân ông Trân mang sữa ra bán ở điểm thu mua, chúng tôi tình cờ gặp ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đang đi kiểm tra chất lượng sữa. Ông Chiến cho biết hiện công ty có hơn 5.000 con bò sữa giống Australia, Mỹ và Hà Lan đang trong giai đoạn cho thu hoạch sữa.
Trong kế hoạch ngắn hạn đến năm 2020, công ty xác định sẽ biến Mộc Châu thành vùng chuyên nuôi bò sữa lớn nhất Đông Nam Á. “Muốn mục tiêu đó thành hiện thực, chúng tôi phải biến 100% người nuôi bò sữa ở Mộc Châu thành những “ông vua bò sữa” như ông Trân đây anh ạ!”, Ông Chiến vui vẻ nói.
Mộc Châu hôm nay không chỉ là vùng đất của “chè siêu búp, bò siêu sữa” mà còn là điểm đầu tư ưa thích của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công ty TNHH giống cây trồng Takii Việt Nam là một ví dụ điển hình, đây là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Mộc Châu.
Ông Nobuyuki Toyama, Giám đốc Công ty cho biết, Mộc Châu không chỉ là vùng đất có khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú, mà chính sách thu hút đầu tư cũng rất cởi mở, vì thế ông chọn nơi đây để đầu tư xây dựng một công ty chuyên sản xuất giống cây trồng chất lượng cao. Hiện công ty đã sản xuất thành công những mẻ hạt giống đầu tiên chuyển vể công ty mẹ ở Nhật Bản để cung ứng cho các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới như Australia, Mỹ, Nga…
Với những lợi thế như trên, năm 2014, Mộc Châu đã được Chính phủ đồng ý cho quy hoạch thành khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch, khu du lịch quốc gia Mộc Châu khi đi vào hoạt động sẽ trở thành động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ với những sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Bản hùng ca sông nước vùng Tây Bắc
Cách đây 12 năm, chúng tôi từng có chuyến chinh phục Đà giang theo đoàn thuyền thương hồ vận chuyển muối, gạo, cá khô từ huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) ngược lên mạn thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên. Chuyến đi ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai về hình ảnh con sông Đà nguyên sơ lắm thác nhiều ghềnh, phong cảnh tuyệt mĩ.
Trở lại Quỳnh Nhai lần này thấy cảnh vật đã khác xưa nhiều lắm. Anh Điêu Chính Hiến, Phó Phòng Văn hóa huyện Quỳnh Nhai hồ hởi khoe: “Anh lên Sơn La lần này mà không đi thăm lòng hồ thủy điện Sơn La thì phí lắm!”. Hôm sau đích thân anh Hiến đưa chúng tôi xuống bến Pá Uôn lên thuyền đi thăm cảnh quan lòng hồ.
Con thuyền rẽ nước ra khơi, lòng hồ dần hiện lên mênh mông, hoang sơ, tuyệt đẹp. Xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao sừng sững. Phía tả ngạn là ngọn Pha Mường, Pha Lạn, Pha Đin. Phía hữu ngạn là ngọn Pu Lếch và Pu Lao với đỉnh Tạng Khẻ cao 2.020m.
Trong vai một hướng dẫn viên bất đắc dĩ, anh cán bộ phòng văn hóa huyện Quỳnh Nhai hào hứng giới thiệu, kể từ khi Nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, ít ai ngờ lòng hồ tích nước của nhà máy này lại biến thành một địa chỉ du lịch tuyệt đẹp với vô số đảo nổi, đảo chìm trông rất kỳ ảo như bây giờ.
Hồ thủy điện Sơn La là một trong 5 hồ nước nhân tạo khổng lồ của vùng Tây Bắc. Chỉ tính riêng lòng hồ khu vực huyện Quỳnh Nhai với chiều dài 30km đã có hàng trăm hòn đảo nổi được người dân bản địa đặt cho những cái tên theo trí tưởng tượng phong phú của con người như đảo Con Cóc, đảo Con Gà, đảo ông Tiên, đảo Phượng Hoàng...
Buổi sáng, khi mặt trời ló rạng sau đỉnh núi Tạng Kẻ, người Thái sinh sống ven lòng hồ bắt đầu một ngày mưu sinh mới. Thấp thoáng ven bờ hồ, những con thuyền đuôi én lặng lẽ bủa đi thả đó, đặt đơm trên mặt nước bảng lảng khói sương.
Khi màn đêm buông xuống, mặt hồ lấp lánh ánh đèn sáng như sao sa của những người làm nghề đánh lưới lộng. Người Thái ở Quỳnh Nhai có cách đánh bắt cá tôm trên lòng hồ hết sức độc đáo. Đó là khi đêm xuống, họ thả những tấm lưới rộng khoảng 30-50 mét vuông xuống lòng hồ và thắp đèn để nhử cá.
Nhiều du khách đến đây thường chọn cách ngủ lại đêm với ngư dân để khám phá cái nghề đánh cá đêm trên lòng hồ đầy thú vị của người Thái. Có người sáng ra còn thu được cả những mẻ cá tôm tươi rói đặc sản của sông Đà. Đặc biệt, đêm trên lòng hồ thủy điện Sơn La mênh mông sóng nước, du khách còn được nghe ngư dân kể những câu chuyện đượm màu huyền bí về hai loài “thủy quái” sông Đà là cá lăng và cá chiên, thậm chí có người còn cho rằng ở đây có những con cá chiên nặng hàng trăm cân, có thể quật ngã cả một con trâu mộng. Chuyện thực hư chẳng biết thế nào nhưng nó luôn hấp dẫn, cuốn hút và khơi gợi trí tò mò muốn khám phá của du khách.
Trong chuyến ngao du lòng hồ, anh Điêu Chính Hiến đã đưa chúng tôi đến thăm trại cá Sa Thư của ông chủ Lường Văn Ngoa. Trại cá có tất cả 16 lồng, nuôi rất nhiều giống cá khác nhau như cá tầm, cá chép... nhưng đặc biệt có đến 8 lồng chuyên dành nuôi cá chiên. Ông Ngoa cho biết ở khu vực lòng hồ hiện có nhiều hộ đầu tư nuôi giống cá chiên quý hiếm này, riêng gia đình anh mỗi năm xuất bán được khoảng 60 tấn với giá chừng 600 nghìn đồng/kg”.
Hiện nay, trên địa bàn các xã Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Chiên thuộc huyện Quỳnh Nhai nghề nuôi trồng thủy sản phát triển khá mạnh. Riêng xã Chiềng Bằng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện đã có tới 72ha, 155 lồng cá với hơn 100 hộ tham gia.
Huyện Quỳnh Nhai và tỉnh Sơn La đang gấp rút thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La. Bà Điêu Thị Dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai cho biết, huyện đã kết hợp với huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Lay của tỉnh Điện Biên thực hiện việc khảo sát và xây dựng đề án tuyến du lịch lòng hồ.
Theo đề án, tuyến du lịch đường thủy này sẽ kéo dài 120km với điểm đón khách đầu tiên là huyện Quỳnh Nhai và điểm đến cuối cùng là huyện Mường Lay của tỉnh Điện Biên. Trên tuyến du lịch xuyên miền Tây Bắc ấy, du khách sẽ được khám vẻ đẹp của cảnh mây trời, non nước hoang sơ, hùng vĩ và cuộc sống đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Dao, La Ha, Kháng, Xinh Mun, Mảng… trong những bản làng tuyệt đẹp nằm ven hồ./.