Ngày 12/4, tại thủ đô Brussels, Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ-Việt đã tổ chức hội thảo về toàn cảnh kinh tế thế giới và địa chính trị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Bỉ có quan hệ kinh doanh với Việt Nam đã tham dự hội thảo này.
Tại hội thảo, diễn giả Nabil Jijakli - chuyên gia kinh tế thuộc Tập đoàn bảo hiểm CREDENDO, nhấn mạnh kinh tế Việt Nam phát triển rất tích cực trong những năm qua. Bỉ coi trọng phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam vì đây là quốc gia có nền chính trị ổn định, yếu tố giúp ổn định kinh tế.
Ông Nabil Jijakli khẳng định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên 6% là niềm mơ ước của nhiều quốc gia phương Tây.
Theo chuyên gia này, những thế mạnh giúp kinh tế Việt Nam phát triển chính là vị thế địa lý trong khu vực Đông Nam Á rất năng động; dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, có trình độ học vấn cao. Đây chính là những yếu tố thúc đẩy công nghiệp phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo.
Ông Nabil Jijakli cũng cho rằng môi trường đầu tư vào Việt Nam rất hấp dẫn, do đó các doanh nghiệp châu Âu cần phải "chớp" cơ hội này vì quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang đầu tư rất mạnh vào đây.
Một trong những cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam, theo ông Nabil Jijakli là Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), giúp loại bỏ những rào cản về thuế quan, hỗ trợ các nhà đầu tư hai bên được hưởng lợi nhiều hơn, đồng thời cũng tạo dựng mối quan hệ đối tác đặc quyền giữa EU và Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết hồi tháng Hai vừa qua mà Việt Nam đang tham gia, sẽ kết nối các khu vực kinh tế, ngoài Mỹ và châu Âu, tạo động lực phát triển kinh tế trên thế giới trong đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều.
Tuy nhiên, ông Nabil Jijakli cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế. Trước hết, đó là bối cảnh chung trên toàn cầu với mức tăng trưởng chậm ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các quốc gia.
Ngoài ra, tăng trưởng chậm của Trung Quốc tác động tiêu cực tới toàn bộ khu vực châu Á trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng. Cuối cùng, những vấn đề địa chính trị trong khu vực như căng thẳng tiềm ẩn trên Biển Đông cũng tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao môi trường làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định đây là một thị trường tiềm tàng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, chế tạo.../.