Mỹ cam kết đảm bảo hoạt động của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc

Các công ty sản xuất chip Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc. của Hàn Quốc đã nhận được quyền miễn trừ một năm, tới tháng 10/2023, đối với các hạn chế xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc.
Mỹ cam kết đảm bảo hoạt động của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc ảnh 1Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc lo ngại khi thời hạn miễn trừ với lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc sắp hết hạn. (Ảnh: Reuters)

Ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Don Graves cho biết Mỹ sẽ "làm mọi thứ" để đảm bảo rằng các nhà sản xuất chip Hàn Quốc có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và các nơi khác.

Tuyên bố được ông Graves đưa khi chỉ còn một tháng nữa là hết thời hạn miễn trừ một năm đối với các hạn chế xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc.

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã công bố một bộ quy tắc hạn chế xuất khẩu một số thiết bị và mặt hàng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các công ty ở Trung Quốc. Đây là một động thái rõ ràng nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các công ty Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc. của Hàn Quốc đã nhận được quyền miễn trừ một năm trong bối cảnh lo ngại rằng động thái này sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc.

Các gã khổng lồ sản xuất chip của Hàn Quốc phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ cho một phần hoạt động sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Don Graves nói: “Chúng tôi hiểu những lo ngại của các công ty và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng các công ty có thể tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh của mình.”

[SK hynix điều tra việc chip nhớ được sử dụng trong smartphone Huawei]

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, trong đó có Samsung Electronics, đang ở thế khó trước cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả hai nước này đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

Chưa kể, ngành sản xuất chip ở Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng "lao dốc" kéo dài.

Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á trong tháng Bảy vừa qua tiếp tục giảm tháng thứ 10 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu yếu đối với chất bán dẫn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.