Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden suy nghĩ lại về việc xuất khẩu khí tự nhiên của Mỹ đang khiến ngành năng lượng vốn mong manh của châu Âu lo sợ.
Nhà Trắng cho biết họ đang xem xét lại cách cấp phép xuất khẩu khí đốt, do áp lực từ các nhà bảo vệ môi trường.
Trước đó, nhờ tăng cường khai thác ở Vịnh Mexico và bờ Đại Tây Dương, Mỹ vượt Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, đồng thời trở thành nguồn cung quan trọng cho châu Âu khi "Lục địa già" tìm cách giảm lượng tiêu thụ khí đốt Nga.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 5 dự án đang được xây dựng sẽ giúp tăng gấp đôi lượng LNG của Mỹ vào năm 2026, được khai thác ở vùng biển phía Nam các bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida.
Tuy nhiên, các dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD trở thành mục tiêu chỉ trích của các nhà hoạt động khí hậu, vì cho rằng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.
Sự chỉ trích này diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Joe Biden đang chạy đua để tái tranh cử chức Tổng thống Mỹ trong năm nay.
Vì vậy, công ty tư vấn Rapidan Energy Group dự báo chính quyền Mỹ khó có thể cấp bất kỳ giấy phép xuất khẩu LNG mới nào trước cuộc bầu cử.
Điều này có nguy cơ làm đình trệ các dự án mà châu Âu đang phụ thuộc vào để đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu lục trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Diễn biến trên là ví dụ mới nhất về việc các ưu tiên chính sách của Mỹ - trong trường hợp này là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu.
Theo Hiệp hội EuroGas - nhóm gồm 77 công ty và hiệp hội ngành năng lượng châu Âu, nhập khẩu khí đốt Nga của Liên minh châu Âu (EU) năm 2023 còn 60 tỷ m3, tức chưa đầy 1/3 trong số 155 tỷ m3 mà nước này nhập khẩu vào năm 2021. Ông Didier Holleaux, Chủ tịch EuroGas, cho biết LNG là lối thoát cho châu Âu và góp phần ổn định giá điện sau giai đoạn tăng cao kỷ lục.
Theo ước tính của EuroGas, EU đã cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu của Nga xuống chưa đến 1/3 trong số 155 tỷ m3 mà nước này nhập khẩu vào năm 2021. Họ đã làm được điều đó bằng cách tăng gấp ba lần lượng nhập khẩu LNG của Mỹ, đạt 60 tỷ m3 vào năm 2023.
EU là khách hàng mua LNG lớn nhất thế giới. Khu vực này đã đầu tư hàng tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu, bổ sung thêm 6 kho cảng mới kể từ đầu 2022, một phần trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc khí đốt của Nga.
Dự kiến đến năm 2030, châu Âu sẽ có khả năng tiếp nhận hơn 400 tỷ m3 LNG, tăng hơn 25% so với năm trước xung đột Ukraine.
Kể từ tháng 1/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ vào châu Âu đã tăng khoảng 8,7% mỗi tháng, giúp khu vực này "dễ thở" hơn khi giảm mạnh nhập khẩu khí đốt Nga. Nếu không có LNG của Mỹ, khả năng ủng hộ chính trị của châu Âu dành cho Ukraine có thể đã giảm sút khi người dân nước này chật vật vì thiếu điện.
Ông Tom Marzec-Manser, Trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty thông tin hàng hóa ICIS, nói để vượt qua 2 năm sau khi Nga cắt cung cấp khí đốt, châu Âu đã phải cắt giảm tiêu thụ và chuyển qua mua LNG, phần lớn là của Mỹ. Nước này cung cấp gần 20% tổng lượng khí đốt cho EU và Anh năm qua, tăng từ mức 5% hồi năm 2021. "Đây là mức tăng trưởng lớn," ông nhận xét.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết giới lãnh đạo khối sẽ không dự đoán Mỹ có cắt giảm sản lượng LNG bán cho châu Âu hay không vì Washington chưa có bất kỳ thông báo nào.
Trong khi đó, ông Ali Zaidi, Cố vấn khí hậu quốc gia của Tổng thống Biden, từ chối nêu chi tiết cách thức đánh giá hoặc liệu nó có dẫn đến việc Bộ Năng lượng chậm cấp giấy phép xuất khẩu LNG hay không.
Mỹ và EU đều tham gia cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng trước ở Dubai để bắt đầu "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch". Nhưng điều đó không làm thay đổi vị thế của Mỹ là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, hay làm giảm bớt cơn khát nhiên liệu của châu Âu với nhiên liệu Mỹ.
Mỹ trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu cho Liên minh châu Âu
Ông Tom Marzec-Manser của ICIS cho biết châu Âu chưa đặt ra thời hạn loại bỏ khí đốt dù có kế hoạch đầy tham vọng nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào 2050. Ông dự đoán lục địa này cần tiếp tục mua khí đốt Mỹ trong thập kỷ tới.
Chủ tịch Eurogas, Didier Holleaux, cho biết nhiều dự án xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG mới ở châu Âu dựa trên giả định về mối quan hệ cung cấp lâu dài ổn định với Mỹ.
Ông Holleaux nói: "Nếu năng lực xuất khẩu LNG bổ sung của Mỹ không thành hiện thực, điều đó sẽ có nguy cơ gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu và khiến giá cả biến động."
Năm ngoái, phân tích về việc thay đổi nguồn cung, Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice đã cảnh báo rằng các nước châu Âu có nguy cơ tạo ra một sự phụ thuộc mới như đã từng diễn ra với Nga.
Báo cáo chỉ ra rằng các nhà nhập khẩu châu Âu đang nhận ra điều đó và có xu hướng tránh ký kết các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp từ Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái là đặt châu Âu vào tình thế dễ bị gián đoạn hoặc siết chặt nguồn cung trong tương lai./.