Mỹ-Hàn Quốc đạt được một số tiến triển trong đàm phán sửa đổi FTA

Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được một số tiến bộ trong các vấn đề then chốt tại vòng đàm phán thứ 3 về sửa đổi Thỏa thuận Thương mại tự do (FTA) song phương.
Mỹ-Hàn Quốc đạt được một số tiến triển trong đàm phán sửa đổi FTA ảnh 1Tổng Vụ trưởng phụ trách chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc Yoo Myung-hee. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo tuyên bố được Bộ Thương mại Hàn Quốc đưa ra ngày 17/3, Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được một số tiến bộ trong các vấn đề then chốt tại vòng đàm phán thứ 3 về sửa đổi Thỏa thuận Thương mại tự do (FTA) song phương.

Vòng đàm phán kéo dài 2 ngày giữa ông Yoo Myung-hee, Tổng Vụ trưởng phụ trách chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc, và Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ Michael Beeman tại thủ đô Washington diễn ra giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng.

Vòng đàm phán FTA mới nhất này đã thu hút sự chú ý của dư luận do trùng thời điểm hai nước cũng đang xúc tiến các cuộc thương thuyết để Seoul được miễn trừ mức thuế mới của Mỹ đối với sản phẩm thép nhập khẩu.

Tại vòng đàm phán lần này, phía Hàn Quốc đã đề cập đến vấn đề thép, cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại như việc bảo hộ và áp thuế chống bán phá giá, trong khi các nhà đàm phán Mỹ tập trung vào việc tiếp cận thị trường và thuế trong lĩnh vực ôtô và nguồn gốc hàng hóa.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết hai bên đã đạt được tiến triển trong một số vấn đề then chốt và đều nhất trí sớm tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo, cũng như sẽ tiếp tục thảo luận về mức thuế mới đối với mặt hàng thép nhập khẩu của Washington.

[Đàm phán sửa đổi FTA Mỹ-Hàn Quốc: Những nội dung chính]

Theo ông Yoo Myung-hee, các nhà đàm phán Hàn Quốc nỗ lực thuyết phục Mỹ để Seoul được miễn các biện pháp đánh thuế mới của Washington đối với thép nhập khẩu.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Hiện chỉ có Canada và Mexico được miễn trừ trong kế hoạch này.

FTA Hàn-Mỹ có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng hiệp định này là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc và yêu cầu đàm phán lại, mặc dù Seoul đã chỉ ra rằng Mỹ đạt thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Hàn Quốc.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương Hàn-Mỹ đã tăng từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 119,3 tỷ USD năm 2017.

Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ đã giảm từ mức 25,8 tỷ USD năm 2015 xuống còn 17,8 tỷ USD vào năm ngoái. Giới chức Seoul đánh giá FTA song phương có lợi cho cả hai bên.

Từ khi FTA có hiệu lực, đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, từ 2,2 tỷ USD lên 5,8 tỷ USD, và tạo ra 45.000 việc làm mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.