Mỹ kêu gọi các cường quốc hành động thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu

Mỹ cảnh báo nếu các nước trên thế giới không lập tức hành động, tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc, Đức và châu Âu "có thể còn kéo dài hơn hoặc sâu hơn so với hình dung ban đầu."
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu tại phiên điều trần ở Washington, DC ngày 10/9/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu tại phiên điều trần ở Washington, DC ngày 10/9/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/10, Mỹ đã kêu gọi các cường quốc thế giới cùng hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cho rằng sự suy thoái kinh tế hiện nay là hệ quả của những chính sách tiết kiệm quá mức, đặc biệt là tình trạng suy giảm đầu tư ở Trung Quốc và châu Âu.

Trong một tuyên bố bế mạc các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định nền kinh tế của nước này vẫn đang nổi trội trên trường thế giới và được dự đoán là sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhờ quyết định cắt giảm thuế và những điều chỉnh trong chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Mnuchin không đề cập đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này, song ông cảnh báo nếu chính phủ các nước trên thế giới không lập tức hành động, tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc, Đức và châu Âu "có thể còn kéo dài hơn hoặc sâu hơn so với hình dung ban đầu."

Theo ông Mnuchin, "vẫn còn nhiều khả năng cắt giảm thuế và áp dụng các biện pháp tài chính khác" để thúc đẩy phục hồi trong hoạt động kinh tế.

Ông cũng cho rằng "tình trạng nhu cầu yếu và giảm lãi suất của các nền kinh tế toàn cầu là dấu hiệu tiết kiệm quá mức, không phải là cách làm việc hiệu quả đối với nền kinh tế trong nước tại Trung Quốc, Đức, Hà Lan và các nền kinh tế lớn khác."

Tuyên bố của Bộ trưởng Mnuchin đã trái ngược với đánh giá của IMF đưa ra trước đó, cho rằng tác động toàn diện của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động đầu tư kinh doanh ở Mỹ.

Ngày 18/10, Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm nhất trong 27 năm qua.

[G-20 cảnh báo nguy cơ 'mất đà' của nền kinh tế thế giới]

Trong khi đó, nước Mỹ, dù đã vượt qua nước công nghiệp khác trong năm nay, song vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy những căng thẳng thương mại của nước này với các nước khác đã làm tổn thương ngành công nghiệp trong nước, trong đó lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, xuất khẩu suy yếu và đầu tư của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Hồi tháng trước, IMF cảnh báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm tới 0,8% nếu tất cả các biện pháp tăng thuế bổ sung mà Mỹ và Trung Quốc công bố từ năm 2018 được áp dụng.

Theo dự báo của IMF, trao đổi thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ tăng 1,1% sau khi tăng trưởng 3,5% vào năm 2018.

Con số này vào năm 2020 sẽ phục hồi lên mức 3,2%, tuy nhiên những nguy cơ giảm sút vẫn hiện hữu do đà tăng trưởng chậm của kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

IMF đã giảm dự báo kinh tế toàn cầu trong quý thứ tư liên tục và cho rằng các cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. IMF kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.

Hiện cả Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực chấm dứt căng thẳng thương mại bằng một thỏa thuận.

Mới đây, hai bên đã thống nhất được giai đoạn đầu của một thỏa thuận, mở ra triển vọng tháo gỡ bế tắc cho cuộc tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế thế giới lớn nhất thế giới.

Tranh cãi thương mại Mỹ-Trung kéo dài trong 15 tháng qua đã gây rối loạn các thị trường tài chính và làm tốc độ tăng trưởng toàn cầu rơi vào tình trạng trì trệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1% - mức thấp nhất kể từ năm 2012 do chịu sức ép từ các hoạt động tăng thuế, những chính sách thương mại không rõ ràng, trong khi ngành sản xuất ôtô giảm sút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.