Mỹ nhấn mạnh khung hợp tác kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Với khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ mong muốn cùng các đối tác tham gia vào đối thoại thương mại thế kỷ 21, hướng tới những thành quả kinh tế ý nghĩa mới.
Mỹ nhấn mạnh khung hợp tác kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/3, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định sáng kiến của Mỹ về khung hợp tác kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ đem lại những lợi ích đáng kể, dù các cuộc thảo luận trong khuôn khổ sáng kiến này sẽ không đề cập đến cắt giảm các loại thuế quan.

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ, bà Tai nêu rõ dù các bên không thảo luận về giảm thuế quan trong khuôn khổ khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song những thành quả ý nghĩa về kinh tế là một phần trong kế hoạch hợp tác của Mỹ với các đối tác khu vực.

[Ảnh hưởng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Theo bà, các thỏa thuận tự do thương mại đã giúp các nước cắt giảm nhiều thuế quan, song xu hướng toàn cầu hóa cũng gây quan ngại cho Mỹ khi tác động tiêu cực đến việc làm tại nước này, bao gồm cả ngành sản xuất.

Do đó, với khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ mong muốn cùng các đối tác tham gia vào đối thoại thương mại thế kỷ 21, hướng tới những thành quả kinh tế ý nghĩa mới.

Trong khuôn khổ cơ chế này, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sẽ dẫn dắt các nỗ lực nhằm vạch ra một thỏa thuận thương mại với các đối tác trong khu vực, bao gồm các điều khoản về các cam kết đối với lao động chất lượng cao, môi trường bền vững, kinh tế số, quy định nông nghiệp dựa trên khoa học.

Đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết triển khai khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là một cơ chế hợp tác mới nhằm thúc đẩy thương mại chất lượng cao, quản lý kinh tế số, cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, cùng một số vấn đề khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.