Mỹ sẽ đánh giá lại quan hệ với Saudi Arabia sau quyết định của OPEC+

Thư ký báo chí của Nhà Trắng cho biết việc đánh giá lại quan hệ sẽ diễn ra, song không nêu rõ thời gian biểu cụ thể để hành động, cũng như không thông tin về việc ai sẽ phụ trách việc này.
Mỹ sẽ đánh giá lại quan hệ với Saudi Arabia sau quyết định của OPEC+ ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 11/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Mỹ ngày 11/10 cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu quá trình đánh giá lại quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng hồi tuần trước bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Thông báo trên được đưa ra ngày 11/10, tức một ngày sau khi Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Mỹ cần ngay lập tức "đóng băng" toàn bộ hợp tác với Saudi Arabia, bao gồm cả bán vũ khí.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết việc đánh giá lại quan hệ sẽ diễn ra, song không nêu rõ thời gian biểu cụ thể để hành động, cũng như không thông tin về việc ai sẽ phụ trách việc này. Bà thông báo Mỹ sẽ xem xét tình hình kỹ lưỡng “trong những tuần và tháng tới.”

[Tổng Thư ký OPEC bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+]

Tuần trước, 13 nước thành viên OPEC và 10 nước đối tác do Nga dẫn đầu đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 tới, làm dấy lên lo ngại giá dầu mỏ có thể tiếp tục tăng.

Trước đó, giới chức Mỹ đã tìm cách thuyết phục đối tác Arab lớn nhất của mình (Saudi Arabia) bác bỏ ý tưởng cắt giảm sản lượng, nhưng Thái tử Mohammed bin Salman đã phớt lờ kêu gọi của Mỹ.

Giới phân tích kinh tế cho rằng có nhiều lý do để Saudi Arabia làm như vậy, bao gồm nỗ lực cân bằng quan hệ với 2 cường quốc Mỹ và Nga, cũng như bảo vệ nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ.

Việc cắt giảm sản lượng diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Saudi Arabia để thuyết phục nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tăng sản lượng, giúp giá dầu hạ nhiệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.