Mỹ tìm cách giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt Nga

Theo Đại diện Thương mại Mỹ, các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp khác đối với Nga do hành động quân sự của nước này tại Ukraine cũng sẽ gây thiệt hại cho Mỹ và các nước đồng minh.
Mỹ tìm cách giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt Nga ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 16/3 cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp khác đối với Nga do hành động quân sự của nước này tại Ukraine cũng sẽ gây thiệt hại cho Mỹ và các nước đồng minh, vì thế các nhà hoạch định chính sách cần xem xét cách để giảm thiểu những tác động này.

Chính quyền của Tổng thống Biden và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết rút quy chế tối huệ quốc đối với Nga theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với Mỹ, biện pháp này cần được Quốc hội thông qua.

[Tại sao giá nhiên liệu ở Mỹ tăng dù hầu như không sử dụng dầu của Nga?]

Khi được hỏi về tác động của việc rút lại quy chế tối huệ quốc đối với Nga tới các nhà sản xuất ôtô của Mỹ, bà Tai cho biết biện pháp này là nhằm gia tăng thiệt hại cho Nga nhưng đồng thời cũng khiến Mỹ chịu nhiều bất lợi. Động thái trên khiến hàng nhập khẩu từ Nga phải chịu thuế cao hơn.

Bà Tai cho biết: "Điều chúng ta cần làm, và cũng là mấu chốt trong việc hoạch định chính sách, là tìm cách tối đa hóa những hậu quả đối với Nga, đồng thời giảm thiểu tác động đối với các lợi ích kinh tế của mình.”

Bà cho rằng những hành động của Nga đã làm yếu hệ thống hòa nhập kinh tế toàn cầu lâu nay, với nhiều hậu quả cho nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bà Tai không cho biết thêm thông tin gì về việc liệu một số kim loại nhất định được nhập khẩu từ Nga, như palladium, rhodium và bạch kim vốn được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác trong xe ôtô, cũng như nhôm - kim loại ngày càng được dùng nhiều cho bộ phận thân xe, có thể được miễn thuế cao hơn hay không.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), các mặt hàng phi dầu mỏ mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Nga trong năm 2020 là palladium, gang thỏi, rhodium, mác nhôm chưa gia công, gỗ dán và phân bón ammonium nitrate./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.