Mỹ-Trung Quốc tranh cãi, cáo buộc nhau làm suy yếu WTO

Mỹ bác bỏ quan điểm của EU nói Washington là "tâm điểm" của cuộc khủng hoảng trong khi Trung Quốc lại cho rằng "những hành động liều lĩnh" của Mỹ là nguồn cơn gây ra khủng hoảng,
Mỹ-Trung Quốc tranh cãi, cáo buộc nhau làm suy yếu WTO ảnh 1Sản phẩm đồ hộp nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/7/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ và Trung Quốc ngày 19/12 đã "lời qua tiếng lại" tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cáo buộc lẫn nhau làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương này.

Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea đã bác bỏ quan điểm Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày 17/12 rằng Washington là "tâm điểm" của cuộc khủng hoảng. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này là do "nền kinh tế phi thị trường và trợ cấp thương mại của Trung Quốc không phù hợp với hệ thống thương mại quốc tế mở, minh bạch và có thể đoán định." Trong khi đó, nhiều năm qua, các nước thành viên WTO không thể giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Shea cũng cáo buộc Trung Quốc tìm cách "đánh cắp toàn bộ" công nghệ trong các ngành chiến lược và bán phá giá các sản phẩm của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhằm vươn lên thành nhà sản xuất hàng đầu, đặc biệt trong các ngành chiến lược. Đại sứ Mỹ tại WTO nêu rõ điều này "không thể chấp nhận được."

Về phần mình, Vụ phó các vấn đề WTO thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc Hu Yingzhi cho rằng "những hành động liều lĩnh" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguồn cơn gây ra khủng hoảng và Bắc Kinh đang rất mong đợi nền kinh tế lớn nhất thế giới hành xử vì lợi ích chung của toàn bộ các nước thành viên trong WTO.

Phái viên này cũng nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương. Tuy nhiên, ông Hu Yingzhi hy vọng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước hồi đầu tháng, Mỹ-Trung có thể "đi cùng một hướng theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau để đóng góp cho sự ổn định của môi trường kinh tế và thương mại toàn cầu."

[Mỹ và Trung Quốc chỉ trích lẫn nhau trên diễn đàn WTO]

Trước đó ngày 17/12, EU cho rằng WTO đã bị mắc kẹt trong "cuộc khủng hoảng sâu sắc" mà Mỹ đang ở tâm điểm, đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra các đề xuất cải cách cụ thể.

Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng xoáy căng thẳng thương mại trong suốt gần một năm qua khi hai bên liên tục có những biện pháp áp thuế nhập khẩu với khối lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD từ đối phương.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 1/12, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được một "thỏa thuận đình chiến thương mại" nhằm hóa giải cuộc tranh chấp thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Theo thỏa thuận, hai bên đã nhất trí hoãn áp thuế bổ sung trong khi hai nước tiến hành đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Phía Mỹ sẽ hoãn tăng thuế từ mức10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay.

Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cảnh báo nếu đến ngày 1/3, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung thất bại, Washington sẽ áp đặt các mức thuế mới.

Cả thế giới đang theo dõi các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, hy vọng quyết định của Mỹ về việc tạm hoãn kế hoạch tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các hàng hóa Trung Quốc, dự kiến bắt đầu từ 1/1/2019, trong vòng 90 ngày sẽ được thực hiện và hai bên sẽ tìm được giải pháp tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương vốn đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.