Lo ngại đổ vỡ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc cho rằng ngày 1/3/2019 là thời hạn chót đầy khó khăn để đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Lo ngại đổ vỡ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Food Business News)

Theo hãng Reuters/AFP/The Hill, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cần đạt được một thỏa thuận vào 1/3/2019 nếu không Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp thuế quan mới nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc.

Đây là tuyên bố ngày 9/12 của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc, đồng thời cho rằng ngày 1/3 là thời hạn chót đầy khó khăn sau khi xuất hiện những tín hiệu lẫn lộn giữa Tổng thống Donald Trump và đội ngũ cố vấn của ông trong tuần qua.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của đài CBS, ông Lighthizer nói: "Tôi lo ngại rằng đây là một thời hạn chót đầy khó khăn. Khi tôi nói chuyện với Tổng thống Mỹ (Donald Trump), ông ấy không nói về việc vượt qua thời hạn ngày 1/3... Bởi thời hạn chót được đưa ra có nghĩa là kết thúc 90 ngày, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc sẽ được áp dụng."

Bên lề hội nghị G20 ở Argentina, Trump và Tập đã đạt được một thỏa thuận "đình chiến" thương mại. Theo đó, Washington đã trao cho Bắc Kinh một thời hạn chót vào ngày 1/3/2019 phải đạt được các kết quả thực chất và cụ thể sau đàm phán.

Trong thỏa thuận "đình chiến" này, Mỹ cũng nhất trí chưa tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD trước đó dự kiến áp dụng vào ngày 1/1/2019. Đổi lại, Trung Quốc nhất trí mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ và tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.

[Giới chức Mỹ: Trung Quốc thực hiện thỏa thuận đình chiến thương mại]

Phát biểu trên của ông Lighthizer dường như làm sáng tỏ vấn đề sau khi xuất hiện những tín hiệu trái chiều từ Chính quyền Trump, trong đó Trump đã đề nghị khả năng kéo dài thời hạn "đình chiến."

Tờ The Hill dẫn bình luận của Trump trên Twitter nói rằng cuộc gặp Trump-Tập tại Argentina cũng ám chỉ khả năng có thể kéo dài các cuộc đàm phán Mỹ-Trung vượt quá 90 ngày.

"Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã được khởi động. Nếu không được gia hạn thì các cuộc đàm phán này sẽ kết thúc trong vòng 90 ngày kể từ ngày chúng tôi có bữa tối làm việc tốt đẹp và ấm cúng với Chủ tịch Tập ở Argentina" - Trump viết.

Tuy nhiên, trong một dòng trạng thái khác, Trump cũng khẳng định mình là "người đàn ông thuế quan," điều mà Lighthizer cho rằng Trump sẽ nâng thuế vào Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận nào cho đến ngày 1/3.

Trong khi đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 9/12 nói rằng chính quyền hiện "tập trung vào thời hạn 90 ngày đầu tiên này", song vẫn nói rằng cho dù điều gì có thể xảy ra thì mọi việc vẫn nằm trong quyết định của Trump.

Những thông tin hỗn loạn trên được đưa ra sau khi xuất hiện lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ leo thang sau vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Lighthizer, cố vấn kinh tế Larry Kudlow và cố vấn thương mại Peter Navarro khẳng định rằng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh sẽ không bị chệch hướng bởi vụ bắt giữ này, đồng thời khẳng định đây là sự việc đơn thuần liên quan thực thi pháp luật.

"Vụ bắt giữ hoàn toàn không liên quan gì đến những gì tôi đang xúc tiến hiện nay" - ông Lighthizer khẳng định.

Trong một bình luận đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm dẫn đầu các cuộc thảo luận song phương, ông Lighthizer nói rằng Mỹ sẽ cần có những nhượng bộ từ phía Bắc Kinh về một số lĩnh vực trong những tuần tới đây nếu Trung Quốc muốn "vô hiệu hóa" khả năng gia tăng trừng phạt thuế quan nhằm vào hàng hóa của mình.

Những nhượng bộ này gồm các yêu cầu Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa của Mỹ kèm theo đó là "những thay đổi cấu trúc" liên quan cách thức và thực tiễn kinh doanh của Bắc Kinh đối với các công ty của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.