Mỹ và Trung Quốc cảnh báo lẫn nhau trước thềm đối thoại thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nếu một thỏa thuận không đạt được, sẽ "không có gì sai" khi Mỹ tăng mức thuế đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc mỗi năm.
Mỹ và Trung Quốc cảnh báo lẫn nhau trước thềm đối thoại thương mại ảnh 1Các container hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia khác chờ bốc dỡ tại cảng Los Angeles, California, Mỹ ngày 16/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh thế giới đang kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc có thể chấm dứt cuộc đối đầu thương mại trong cuộc đàm phán sắp tới, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã phát đi tín hiệu cảnh báo lẫn nhau trong trường hợp một thỏa thuận đổ vỡ.

Phát biểu tại một buổi vận động diễn ra tại bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc "đã phá vỡ thỏa thuận" vốn đạt được trong các vòng đàm phán thương mại trước đó, đồng thời khẳng định không từ bỏ ý định tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh dừng "việc lừa dối người lao động" và "cướp việc làm."

Ông Trump tuyên bố nếu một thỏa thuận không đạt được, sẽ "không có gì sai" khi Mỹ tăng mức thuế đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc mỗi năm.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết nếu Mỹ thúc đẩy việc áp thuế đối với hàng hóa của nước này.

[IMF: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đe dọa kinh tế thế giới]

Theo Bộ trên, việc leo thang bất đồng thương mại không nằm trong lợi ích của cả hai nước cũng như thế giới.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong 2 ngày 9-10/5 tới. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 7/5 thông báo Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Washington tham gia đàm phán.

Trước đó, Tổng thống Trump thông báo sẽ sớm tăng mức thuế hiện là 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% từ ngày 10/5 tới, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác.

Theo ông, tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn tiếp diễn nhưng quá chậm khi Trung Quốc tìm cách đàm phán lại.

Một số nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc yêu cầu thay đổi một số điều khoản trong văn bản thỏa thuận dài 150 trang vốn đã đạt được trong nhiều tháng đàm phán, điều này dẫn tới việc Bắc Kinh khó tránh khỏi biện pháp áp thuế mới của Washington. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm của Trung Quốc như linh kiện máy tính, đồ nội thất, đồ chiếu sáng và vật liệu xây dựng.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế, có trụ sở tại Washington, cho rằng vòng đàm phán sắp tới đang phụ thuộc nhiều vào những đề xuất mà Phó Thủ tướng Lưu Hạc đưa ra với Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.