Mỹ xem xét cấm bán công nghệ kết nối ôtô của Trung Quốc và Nga

Dự thảo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 23/9 nhằm cấm bán công nghệ kết nối ôtô của Trung Quốc và Nga, với lý do rủi ro an ninh quốc gia.

Dây chuyền sản xuất xe ôtô điện của hãng Voyah tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất xe ôtô điện của hãng Voyah tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/9, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố dự thảo quy định nhằm cấm bán công nghệ kết nối ôtô của Trung Quốc và Nga, với lý do rủi ro an ninh quốc gia.

Dự thảo quy định mới này là một phần trong chủ trương của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và được đưa ra sau thông báo hồi tháng 2 về tiến hành điều tra rủi ro an ninh liên quan đến công nghệ xe ôtô của Trung Quốc.

Thiết bị điện tử ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào ôtô hiện đại (cả xe điện lẫn tự lái), có thể kết nối với các thiết bị cá nhân, các phương tiện khác, cơ sở hạ tầng của Mỹ...

Dự thảo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 23/9 bao quát phần mềm và phần cứng kết nối các phương tiện với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không nêu rõ nhà sản xuất hoặc kiểu xe nào có khả năng bị ảnh hưởng do quy định này.

Dự thảo quy định sẽ công khai tiếp thu ý kiến công chúng trong 30 ngày.

Theo Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ, việc truy cập trái phép vào các hệ thống ôtô kiểu này có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm và kiểm soát từ xa trong khi ôtô đang lưu thông.

Phản ứng trước thông tin về lệnh cấm trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố Bắc Kinh phản đối việc Washington mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và các hành động phân biệt đối xử đối với các công ty và sản phẩm của Trung Quốc.

Hội đồng chính sách ôtô Mỹ (AAPC), đại diện cho các 3 hãng sản xuất xe lớn của Mỹ gồm General Motors, Ford và Stellantis, chưa có bất cứ bình luận nào trước những thông tin trên.

Trước đó, trong tháng này, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc và các mức tăng thuế quan khác trị giá hàng tỷ USD.

Cả hai động thái này cũng dẫn tới phản ứng chỉ trích từ Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, không có thương hiệu xe ôtô Trung Quốc nào bán tại thị trường Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.