Năm 2018, EVN lãi gần 700 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện

Mặc dù kết quả kinh doanh của EVN năm 2018 có lãi, song vẫn còn một loạt các khoản chi phí gồm cả chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá thành sản xuất-kinh doanh điện.
Năm 2018, EVN lãi gần 700 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện ảnh 1Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trù chì họp báo về giá thành sản xuất kinh doanh điện 2018. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.

Đây là thông tin đưa ra tại buổi họp báo “Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020,” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/12, tại Hà Nội.

[Bộ Công Thương báo cáo Quốc hội về việc điều hành giá điện]

Treo tỷ giá cả nghìn tỷ đồng

Mặc dù có lãi song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, năm 2018 vẫn còn các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng.

Các chi phí đó bao gồm một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của cả năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí năm 2018.

“Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018,” ông Tuấn cho hay.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết khoản tỷ giá được treo lại hiện chưa có nguồn trả, phải chờ phương án giá điện năm tới khi được phê duyệt mới có thể hạch toán được.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, khoản chênh lệch tỷ giá này chưa hạch toán vào đâu. Do vậy khi có phương án giá điện mới thì mới có thể lên phương án hạch toán.

Song lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng nếu hạch toán các khoản này sẽ ảnh hưởng đến giá điện trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đ/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đ/kWh.

Giá dầu DO và  giá dầu FO bình quân năm 2018 tăng so với 2017 lần lượt là 22% và 20,7%. Còn tỷ giá đô la Mỹ bình quân năm 2018 tăng 1,37% so với năm 2017.

Năm 2018, EVN lãi gần 700 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện ảnh 2Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin thêm tại buổi họp báo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Triệt để tiết kiệm điện

Về tình hình cung cấp điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc năm 2019 ước đạt 239,739 tỷ kWh, tăng trưởng 8,93% so với năm 2018.

Tuy nhiên theo ông, 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,…

Dẫn chứng thêm, ông Tuấn cho hay năm 2019 hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường.

Điển hình là các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Đà không tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2019. Cụ thể, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình dự kiến thấp hơn từ 10-20m so với mực nước dâng bình thường.

Ngoài ra, một số hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung, miền Nam như Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Đại Ninh có mực nước cuối năm 2019 thấp hơn từ 7-29m so với mực nước dâng bình thường.

“Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh,” ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, vẫn còn nhiều nhà máy điện BOT chậm tiến độ và điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp điện trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, để cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị liên quan đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu, đồng thời Bộ yêu cầu thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện.

Riêng năng lượng tái tạo, dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng gần 2.000MW điện gió và Mặt trời mới được đưa vào vận hành, tăng khả năng cung ứng điện cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương dự tính phải huy động thêm 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện này.

“Trong năm 2020 Bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 34 về việc tăng cường tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước nhằm sử dụng nguồn năng lượng này một cách hiệu quả,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.