Năm 2024: Các chỉ số tăng trưởng kinh tế kỳ vọng sẽ tích cực hơn

Việt Nam có những thuận lợi cơ bản từ sự ổn định vĩ mô, có thể thấy giai đoạn khó khăn nhất trên hành trình phục hồi sau đại dịch đã qua, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được kỳ vọng sẽ tích cực hơn.
Năm 2024, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch với tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2023, kinh tế thế giới trải qua một năm đầy khó khăn với sự giảm sút cả tăng trưởng GDP, thương mại và đầu tư toàn cầu. Bước sang năm 2024, các đánh giá chung dự báo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và nhiều ẩn số khó lường.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia - trong đó có Việt Nam, sẽ có thêm động lực mới từ cơ hội giảm lạm phát, lãi suất và nới lỏng dần chính sách tài chính-tiền tệ, cùng sự gia tăng trở lại nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường lớn trên thế giới.

Nền kinh tế từng bước phục hồi

Thạc sỹ Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết năm 2024, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu vẫn giữ xu hướng chậm lại; trong đó kinh tế châu Âu tiếp tục có dấu hiệu suy thoái đồng thời kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với nhiều rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản sang thị trường tài chính. Trái lại, các nền kinh tế châu Á và châu Phi sẽ có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024.

Trên cơ sở đó, tăng trưởng tiềm năng toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ và đạt 2,2% trong thời gian còn lại của thập niên 2020 gắn với lực lượng lao động toàn cầu đang già đi và tốc độ tăng trưởng đầu tư và năng suất các nhân tố tổng hợp ngày càng giảm. Hơn nữa, kinh tế toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc do biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, nhiều tổ chức quốc tế và giới chuyên gia vẫn đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo mới đây giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức 2,7% (Mỹ tăng trưởng 1,5% GDP) và đạt 3% vào năm 2025. Bên cạnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 2,9% GDP và Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024.

Còn tại Việt Nam, các chuyên gia cũng có những nhận địch tích cực dựa trên các dấu hiệu từ các chỉ số vĩ mô.

“Hầu hết các chỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023,” chuyên gia Nguyễn Minh Trí nhận định.

Cụ thể, ông Trí chỉ ra Việt Nam có những thuận lợi cơ bản từ sự ổn định vĩ mô. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu hậu COVID-19. Nền kinh tế từng bước được phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2023 quý sau cao hơn quý trước. Thị trường trong nước tiếp tục mở rộng, tăng thu hút khách quốc tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng mạnh mẽ cả đăng ký mới và giải ngân với nhiều bứt phá dự án lớn vào lĩnh vực công nghệ cao và không ngừng nâng tầm vị thế quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá cao và ghi nhận cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam, nổi bật là về Chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu, Chỉ số Đổi mới Sáng tạo, Giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Về xếp hạng tín nhiệm quốc tế về tín dụng dài hạn, tổ chức Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam từ mức BB lên BB+ với triển vọng “Ổn định” đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào triển vọng sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới của nền kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng trung hạn hàng năm khoảng 7% GDP.

Theo Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, môi trường bên ngoài yếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh.

Trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư chưa thể sớm khôi phục, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong các năm 2024 và 2025. (Ảnh: Vietnam+)

Hơn thế, lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo. Trên thị trường, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng năm. Về sản xuất, lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo đã giảm dần từ cuối năm 2023 sang đến năm 2024, khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU bắt đầu phục hồi.

Đánh giá từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được và 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn. Cụ thể, một số chỉ tiêu có kết quả khả quan, như tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng...

Phát huy các động lực tăng trưởng

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, với tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% đồng thời GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã đặt ưu tiên điều hành nền kinh tế vào việc tạo hợp lực và phát huy động lực mạnh mẽ, ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Để thực hiện được mục tiêu này, chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng phải thực hiện quyết liệt, kịp thời và đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị VND và kiềm chế lạm phát. Công tác điều hành đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ-tài khóa với sự điều chỉnh linh hoạt và phù hợp, nhằm hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Khu vực doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình xanh hóa sản xuất-kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)


Theo ông Thịnh, Chính phủ cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, lãi suất và tỷ giá, cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng, đầu tư công hay trực tiếp nước ngoài và tư nhân.

Về phía doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất, để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Trước xu hướng Sản xuất Xanh, Tiêu dùng Xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các chuyên gia cũng khuyến nghị khu vực doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình xanh hóa sản xuất-kinh doanh, như tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng.

“Bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc toàn bộ đồng thời tiết giảm đến mức tối đa các chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng những biện pháp lâu dài,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Trên bình diện đó, ông Thịnh kiến nghị Nhà nước có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động xanh hóa của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ để tiến hành Chuyển đổi Số, áp dụng Công nghệ Số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại.

Về đẩy mạnh xuất-nhập khẩu, Bộ Công thương cùng các cơ quan thương vụ và hiệp hội ngành hàng nắm lại các thị trường truyền thống, tìm hiểu nguyên do giảm sút đơn hàng từ đó có sự thay đổi các điều kiện nhập khẩu cho các sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu…

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cũng không nên "bỏ quên" thị trường tiêu dùng trong nước 100 triệu dân, với mức thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên nhanh chóng...

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở đó tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh. Điều này đang là rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục