Năm lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa quốc gia

Năm lễ hội truyền thống (thuộc địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa và Tuyên Quang) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chiếc bánh giày "khổng lồ" tại lễ hội cầu phúc đền Độc Cước năm 2017. (Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Sầm Sơn)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm lễ hội truyền thống (thuộc địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa và Tuyên Quang) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cụ thể, đó là các lễ hội truyền thống:

1/ Lễ hội Nàng Hai (Cầu Trăng) của người Tày Ngạn (xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, Hà Giang).

2/ Lễ hội đền Thanh Liệt (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

3/ Lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình).

4/ Lễ hội đền Độc Cước (thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa).

5/ Lễ hội đình Thọ Vực (xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang).

Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 3609/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 24).

[Ngoại giao văn hóa góp phần xây dựng thông điệp quốc gia]

Ngoài ra, trong đợt này, lễ cúng rừng của người Phù Lá (xã Nàn Sỉn, huyện Xín Mần, Hà Giang) cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (loại hình: tập quán xã hội và tín ngưỡng).

Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, có 263 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục