Ngày 17/9, tại thành phố Huế, ngành văn hóa, thể thao và ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo bàn phương án trùng tu, bảo tồn di tích Hải Vân Quan sau khi có kết quả khai quật khảo cổ học và nghiên cứu kỹ tài liệu chính sử về di tích này.
Tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định Hải Vân Quan là một di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự vô cùng đặc biệt, với quy mô và kết cấu quy chuẩn của một lũy thành phòng thủ. Nơi đây luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, không chỉ của các triều đại quân chủ Việt Nam trước đây mà còn có giá trị trong giai đoạn hiện nay. Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đây là sự khẳng định những giá trị quý của di tích và cần được bảo tồn, tôn tạo, phát huy.
Việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích trong giai đoạn này là hết sức cấp thiết, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch... phục vụ công tác xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
[Công bố các kết quả khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan]
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết việc nghiên cứu tài liệu viết, ảnh tư liệu và kết quả nghiên cứu khảo cổ học không chỉ làm sáng rõ những giai đoạn hình thành, biến đổi của di tích Hải Vân Quan mà còn xác định được cụ thể quy mô, kết cấu, vị trí, kích thước và tính chất từng công trình kiến trúc trong tổng thể khu di tích. Qua đó, đã "bóc tách" được những giai đoạn xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại di tích theo từng thời kỳ lịch sử, cung cấp cứ liệu khoa học chân xác và nhận thức mới, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về di tích Hải Vân Quan.
Kết hợp với tài liệu chính sử và kết quả nghiên cứu khảo cổ học thì đây là cơ sở quan trọng và cần thiết để các nhà thiết kế, trùng tu, tôn tạo làm căn cứ lựa chọn mặt bằng, định hướng giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải nêu một số kiến nghị như cần thiết kế, tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng Thần công, bậc cấp, đường đi qua hai cổng; nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan, thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành, biến đổi của di tích...
Cùng với đó cần nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm; cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này. Nếu được trùng tu, bảo tồn, Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đồng thời là niềm tự hào của người dân Huế-Đà Nẵng. Thống kê sơ bộ, trong năm 2017, Hải Vân Quan đón khoảng 320.000 lượt khách tự phát dừng chân.
Tồn tại đến nay gần 200 năm (tính từ khi được quy hoạch hoàn chỉnh vào năm Minh Mạng thứ 7, năm 1826 đến nay), kiến trúc di tích Hải Vân quan đã thay đổi rất nhiều. Kết quả khai quật khảo cổ phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc từ thời Nguyễn ở di tích này gồm hai cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan-Hải Vân Quan và hệ thống bậc cấp lên xuống cùng đường đi, cổng phụ, hệ thống tường thành, pháo nhãn, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố.
Giai đoạn từ năm 1946-1975, khi đồn trú tại Hải Vân Quan, quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng mới hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng. Những công trình này chồng đè lên vị trí các kiến trúc xây dựng thời Nguyễn và làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích.
Các cơ quan chuyên môn kiến nghị cần thiết tôn tạo, phục hồi di tích theo kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ xem đó là chứng tích lên án chiến tranh, phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích. Song song với đó cần tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ việc đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.
Đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng miền Trung đề xuất hai phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Phương án thứ nhất là phục hồi toàn bộ các công trình thời nhà Nguyễn phía trong vùng I bảo vệ di tích, một đoạn đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng. Những công trình nằm giữa khu vực I và II của di tích - các công trình được xây dựng giai đoạn 1946 - 1975 sẽ được bảo tồn thích nghi. Ở phương án thứ hai, bảo tồn nguyên trạng các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất (thời kỳ chống Pháp).
Về phương án bảo tồn, theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, yêu cầu ban đầu đặt ra đối với Hải Vân Quan là quy hoạch toàn bộ đỉnh đèo Hải Vân. Tuy nhiên, khối lượng công việc đó không thể kịp để khởi công dự án phục hồi, tôn tạo di tích trong năm 2019 do đó nên chia dự án thành hai bước. Bước một, quy hoạch trùng tu vùng lõi di tích. Bước hai là quy hoạch tổng thể đỉnh đèo Hải Vân gắn với phát huy giá trị kiến trúc công trình, tôn tạo cảnh quan, sắp đặt hệ thống nhà nghỉ dưỡng, hàng quán, điểm thu gom rác...
Đại diện ngành văn hóa, thể thao và ngành du lịch Đà Nẵng cho biết dù chọn theo phương án nào, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đều xác định phải bảo tồn Hải Vân Quan. Ngoài ra, để có thể kịp khởi công phục hồi, tôn tạo trong năm 2019, hai địa phương cần giải quyết đúng các vấn đề pháp lý và đề cao vai trò giám sát, đồng hành cùng trong bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử Hải Vân Quan.
Do nằm ở vị trí giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, di tích Hải Vân Quan dường như bị lãng quên. Mới đây, Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia tại quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017./.