Năm năm thực hiện Chỉ thị 40: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân

Chỉ thị 40 đã tạo thành kim chỉ nam xuyên suốt trong tư tưởng, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Năm năm thực hiện Chỉ thị 40: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân ảnh 1Bà con giao dịch tại Ngân hàng Chính sách. (Ảnh:Vietnam+)

Ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40). Chỉ thị được đánh giá là rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết thực giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những năm qua, tín dụng chính sách được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo bền vững mà còn làm giàu chính đáng.

Trong dòng chảy lịch sử 90 năm kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), hơn 17 mùa xuân hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách xã hội đã hòa quyện cùng ý Đảng lòng dân phát huy cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Bài 1:Khơi bừng tâm thế thực thi mới giúp xoay chuyển đói nghèo

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đi vào cuộc sống, tuy chưa phải là một thời gian dài, nhưng những kết quả bước đầu từ việc triển khai Chỉ thị này đã minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng.

Chỉ thị ra đời không chỉ giải quyết những vấn đề nội tại trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, mà hơn thế còn tạo bước đột phá trong việc gắn kết sức mạnh của cả hệ thống chính trị hỗ trợ giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách xoay chuyển đói nghèo.

Chỉ thị số 40 như khoảng cao trào trong bản trường ca xóa đói giảm nghèo, làm đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho người nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, hơn thế là tăng tốc hòa nhịp cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Từ đột phá nhận thức

Nhìn lại từ năm 2014 trở về trước, tín dụng chính sách xã hội dù là một công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nhưng ở nhiều địa phương, hoạt động chỉ được xem như một hoạt động bên cạnh hoặc thêm nếm trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nên chưa chú trọng thực sự quan tâm.

Chính vì vậy, Chỉ thị số 40 đã tạo ra bước chuyển đột phá trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với hoạt động tín dụng chính sách xã hội được đưa vào những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị.

[Năm 2019 tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 206.805 tỷ đồng]

Thậm chí nhiều địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức sâu sắc hơn với việc xem tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Chính từ nhận thức này đã tạo thành kim chỉ nam xuyên suốt trong tư tưởng, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ những công việc tưởng như đơn giản nhất. Điển hình là trong quy trình triển khai tín dụng chính sách xã hội đến người dân hay điều tra đúng, đủ và kịp thời đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Năm năm thực hiện Chỉ thị 40: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân ảnh 2Vườn sâm Ngọc Linh. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Cộng hưởng những giá trị không ngờ

Mặt trận tổ quốc nhiều tỉnh, thành không chỉ thực hiện tốt vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng chính sách xã hội và cùng người dân giám sát chất lượng hiệu quả nguồn vốn này mà đã tạo thêm những giá trị mới trong công tác tín dụng chính sách. Như ở thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), Mặt trận tổ quốc thị xã đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội 485 triệu đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Nhìn rộng ra toàn tỉnh Thái Nguyên, đã huy động từ doanh nghiệp được trên 8,6 tỷ đồng chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối tượng chính sách).

Thậm chí đến xã dù không được phân công, phân nhiệm song cũng tính tới việc tìm nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ hộ nghèo.

Ông Đoàn Thanh Hiền-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cho biết trước năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao với 553/4.100 hộ, chiếm gần 13,5%, trong khi đó nguồn vốn Trung ương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay chưa đảm bảo nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo. Vì vậy, lãnh đạo xã đã huy động các nguồn lực tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ vì người nghèo được 368 triệu đồng và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội không tính lãi để hỗ trợ cho các hộ nghèo trong xã.

“Ví dụ, với nguồn vốn vay của Trung ương họ sẽ mua được 1 con bò, thì địa phương sẽ giúp thêm một ít vốn để mua thêm được 1 con bò hoặc 2 con bò nữa để các hộ có điều kiện giảm nghèo nhanh hơn,” ông Đoàn Thanh Hiền cho biết.

Nguồn vốn tuy còn khiêm tốn nhưng đã cho thấy ý Đảng lòng dân đã hòa quyện, để rồi 6 năm qua đã cho vay được 42 lượt hộ và giúp 26 hộ thoát nghèo, góp phần cùng các nguồn vốn tín dụng chính sách khác đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2019 còn dưới 3%, vượt nhiều so với Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.

Hiệu ứng của việc tập trung triển khai tuyên truyền vận động xuống tận thôn, xóm để các tầng lớp nhân dân nắm bắt và có nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã cộng hưởng những giá trị mới trong việc triển khai Chỉ thị số 40. Ngay cả ở nơi núi cao trên 2000 mét như đỉnh Ngọc Linh - nơi có 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ca Dong cũng không thiếu “hơi ấm” của Chỉ thị.

Được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My (Quảng Nam) 10 năm trước đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, năm 2014, người đảng viên gương mẫu, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh không chỉ trả hết nợ cho Nhà nước, thoát nghèo bền vững mà từ đó gia đình còn có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ.

Tuy nhiên, trước thực cảnh còn nhiều người dân ở trong thôn vẫn thiếu gạo vào những ngày giáp hạt, năm 2016 ông đã cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và cán bộ Hội Cựu chiến binh xã đến tận thôn để họp dân tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi. Qua một ngày họp bàn, 32 hộ dân đã thống nhất thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng, một phần để mở rộng đầu tư, phần còn lại để tuyên truyền khuyến khích bà con cùng vay vốn trồng sâm và thành lập nhóm hộ trồng sâm. Tạo điều kiện cho bà con có đủ điều kiện tiếp cận vốn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc và căn dặn bà con không được phá rừng, hộ nào làm tốt cuối năm ông còn thưởng 200 cây sâm con giống. Số cây con được thưởng hiện nay đã lên đến 20.000 cây. Nhờ cách quản lý riêng này mà đến nay đã có 32 hộ dân trong tổ đã thoát nghèo bền vững, nhiều hộ có cái ăn, cái mặc, lại có tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tới cả tỷ đồng.

Có thể nói, sự tham gia của từng người dân, doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững đang góp phần xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước./.

Bài 2: Lan tỏa giá trị từ sự đồng tâm đưa hộ nghèo phát triển

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục