Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bổ nhiệm mới 3 bộ trưởng và sáp nhập 2 bộ thuộc chính phủ nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết Tổng thống Ramaphosa đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Bưu chính-Viễn thông Siyabonga Cwele làm Bộ trưởng Nội vụ, và cựu Bộ trưởng Truyền thông Nomvula Mokonyane làm Bộ trưởng Môi trường.
Tổng thống Nam Phi cũng quyết định sáp nhập Bộ Bưu chính-Viễn thông và Bộ Truyền thông thành Bộ Truyền thông để bộ mới có sự liên kết và phối hợp tốt hơn trong các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế Nam Phi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Phụ trách bộ mới là cựu Thứ trưởng Bưu chính-Viễn thông Stella Ndabeni-Abrahams.
Trước đó, ngày 13/11, cựu Bộ trưởng Nội vụ Malusi Gigaba đã từ chức do vướng vào một loạt bê bối tham nhũng. Ông Gigaba từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 3/2017-2/2018 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ hồi đầu năm nay. Cố Bộ trưởng Môi trường Edna Molewa đã qua đời đột ngột vào đầu tháng 9 vừa qua.
[Hướng tới trang mới trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nam Phi]
Trong khi đó, ngày 23/11, Tổng thống Ramaphosa đã ký ban hành Luật Tiền lương tối thiểu quốc gia, thiết lập mức lương tối thiểu mới 20 Rand cho mỗi giờ làm việc bình thường. Nông dân, công nhân, người học việc được thuê mướn theo Luật Phát triển kỹ năng và công nhân làm việc trong các chương trình công cộng sẽ được trả mức lương theo giờ khác nhau. Tuy nhiên, những đơn vị, doanh nghiệp thuê mướn lao động nếu chứng minh được hiện không đủ khả năng tài chính để thực hiện quy định mới về lương cơ bản và thỏa thuận với công đoàn của người lao động thì có thể được tạm hoãn thực hiện theo quy định lương tối thiểu mới.
Khoảng 6 triệu người lao động Nam Phi đang hưởng mức lương trung bình 3.700 Rand/tháng (khoảng 300 USD) sẽ được hưởng lợi từ luật mới này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Liên đoàn Công nhân khoáng sản (NUMSA) và Liên đoàn Lao động Nam Phi (SAFTU) đã lên tiếng phản đối mức lương tối thiểu mới./.