Các tay súng Phong trào Dân chủ Nam Sudan tuần tra tại Gumuruk ngày 13/5. (Nguồn: AFP/TTXVN) Ngày 10/6, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phiến quân Riek Machar đã gặp nhau trong nỗ lực nhằm chấm dứt 6 tháng xung đột và hai bên đã nhất trí thúc đẩy thành lập chính phủ chuyển tiếp trong thời hạn 60 ngày.
Cuộc gặp diễn ra với sự có mặt của các nhà lãnh đạo khu vực, bên lề một hội nghị thượng đỉnh do Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) tổ chức.
Trung gian hòa giải giữa các bên tại Nam Sudan, Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn thông báo chính phủ và phe nổi dậy Nam Sudan đã đồng ý hoàn tất tiến trình đàm phán trong vòng 60 ngày tới về thành phần, cách thức và thời gian thành lập chính phủ chuyển tiếp.
Bà Hailemariam khẳng định cả ông Salva Kiir và ông Riek Machar đều "hoàn toàn cam kết thực hiện các thỏa thuận đã ký."
Bên cạnh đó, bà Hailemariam cho biết IGAD "sẽ hành động nhằm thực thi hòa bình" nếu các bên xung đột tại Nam Sudan không tuân thủ thỏa thuận, theo đó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nam Sudan, song không nêu thêm chi tiết.
Đây là lần đầu tiên các nước láng giềng của Nam Sudan đưa ra cảnh báo như trên, cho thấy lo ngại gia tăng về khả năng tình hình căng thẳng ở nước này có thể leo thang thành một cuộc xung đột trên quy mô khu vực.
Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ trung tuần tháng 12/2013 sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với ông Riek Machar âm mưu đảo chính.
Xung đột nhanh chóng lan rộng khắp Nam Sudan khiến hàng nghìn người thiệt mạng, ít nhất 1,2 triệu người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy đất nước đến bờ vực thiếu đói tồi tệ nhất châu Phi kể từ những năm 80 của thế kỷ trước./.