Theo hãng thông tấn AFP, quân đội Nam Sudan và các lực lượng nổi dậy đã nhất trí triển khai các đơn vị chung tại thủ đô Juba.
Đây là một giai đoạn quan trọng trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt gần hai năm xung đột tại quốc gia non trẻ này.
Theo một thỏa thuận được ký kết ngày 3/11 giữa Chính phủ Nam Sudan và các lực lượng nổi dậy, tổng cộng 4.830 binh sỹ sẽ được triển khai tại nội đô Juba, bao gồm 3.420 quân chính phủ và 1.410 quân nổi dậy. Lực lượng này sẽ bao gồm các đơn vị lính gác hỗn hợp, quân cảnh và các đơn vị an ninh quốc gia.
Ngoài ra, chính phủ và phe nổi dậy cũng đã nhất trí triển khai các đơn vị cảnh sát chung tại Juba gồm 3.000 nhân viên chia đều hai bên, cùng với 800 sỹ quan an ninh tại 3 thành phố Bentiu, Malakal và Bor.
Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12/2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar bị Tổng thống Kiir cáo buộc âm mưu đảo chính.
Ngày 27/8 vừa qua, hai bên đã ký thỏa thuận hòa bình với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải khu vực châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả cấm vận nếu các bên tại Nam Sudan không tuân thủ triệt để thỏa thuận hòa bình đã ký kết.
Thỏa thuận ký ngày 3/11 tại thủ đô Addis Ababa của nước láng giềng Ethiopia nhằm ấn định các khu vực quân sự quan trọng trong thỏa thuận hòa bình hồi tháng 8, trong đó một điều khoản chủ chốt là phi quân sự hóa thành phố Juba do chính phủ nắm giữ để cho phép thủ lĩnh nổi dậy Riek Machar cùng các thuộc hạ trở lại./.