Ngày 5/8, Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch điểm đến 5 địa phương miền Trung tại các tỉnh Tây Nguyên đã diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Hội nghị nằm trong Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại khu vực Tây Nguyên từ ngày 4-6/8 do Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc, đại diện Khối liên kết phát triển du lịch của 5 tỉnh miền Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết miền Trung Việt Nam nằm trong số 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á do Lonely Planet - công ty sản xuất sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới - vinh danh năm 2019.
Miền di sản diệu kỳ của 5 địa phương miền Trung phong phú, nổi bật như Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù… Hệ thống giao thông thuận lợi di chuyển đến các vùng miền trong cả nước và là con đường ngắn nhất đến Lào, Thái Lan. Sản phẩm du lịch đa dạng với du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao-giải trí, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm khám phá…
Du lịch 5 tỉnh, thành phố miền Trung đã có sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực châu Á, với khoảng 20-25 triệu khách/năm (giai đoạn 2016-2019). Trong khi đó, Tây Nguyên là thị trường tiềm năng và là điểm đến yêu thích của khách du lịch.
Do đó, Hội nghị là dịp quảng bá hình ảnh du lịch của 5 tỉnh, thành phố miền Trung - miền di sản diệu kỳ với các chương trình kích cầu, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 đến các công ty du lịch, lữ hành khu vực Tây Nguyên.
Hội nghị nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 5 tỉnh, thành phố miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, góp phần phục hồi, tăng trưởng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự kết nối giữa hai vùng sẽ tạo nên hành lang du lịch xanh, hợp tác phát triển những sản phẩm du lịch chung độc đáo, hấp dẫn nhà đầu tư, khách nội địa và quốc tế.
[Liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ]
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã giới thiệu về tiềm năng du lịch của mình, thảo luận về việc phát triển sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương miền Trung, vùng Tây Nguyên cho khách du lịch nội địa và quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Oanh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị, trên thực tế, du lịch các địa phương trong hai khu vực vẫn còn nhiều nét đẹp cũng như các giá trị văn hóa chưa khai thác hết. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch để người dân và du khách biết, từ đó tăng cường tìm hiểu, khám phá, đi du lịch.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa, có thể khai thác các tour văn hóa để đưa văn hóa Tây Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước.
Dịp này, đại diện 5 tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2022-2026 với các tỉnh Tây Nguyên.
Trước đó, đại diện ngành du lịch và doanh nghiệp các tỉnh miền Trung đã đi khảo sát một số điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk như thác Dray Nur, Bảo tàng thế giới cà phê, buôn Ako Dhông, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn, thác Bảy nhánh, Điểm du lịch sinh thái Troh Bư./.