Nan giải "bài toán" quản lý 13.000 trẻ mồ côi, cơ nhỡ ở Hà Nội

"Bài toán" quản lý trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ... trên địa bàn Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp, khiến chính quyền thành phố "đau đầu."
Nan giải "bài toán" quản lý 13.000 trẻ mồ côi, cơ nhỡ ở Hà Nội ảnh 1Trẻ em ở một trung tâm bảo trợ xã hội tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/Vietnam+)

Toàn thành phố Hà Nội hiện có gần 1,7 triệu trẻ em sinh sống, trong đó có 13.000 trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ... Công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc đối tượng này đang là vấn đề khó khăn, phức tạp, khiến chính quyền thành phố "đau đầu."

Trẻ lang thang đang ở đâu?

Trong số 13.000 trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ..., hiện chỉ có trên 1.000 cháu đang được nuôi dưỡng, học tập ở 11 trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ trẻ em được Nhà nước nuôi dưỡng rất nhỏ so với con số thực tế. Vậy phần lớn các cháu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội còn lại đang ở đâu và sống như thế nào?

Ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết những cháu này đang được sống trong cộng đồng, các hộ gia đình nhận đỡ đầu, nhận con nuôi, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ sở tôn giáo... Ngoài ra, còn nhiều trẻ đang lang thang, kiếm sống trên các tuyến phố, ngõ hẻm hay gầm cầu, góc chợ bằng đủ thứ nghề như đánh giày, rửa bát thuê, bán vé số, bốc vác, ăn xin... Trẻ nào may mắn hơn thì được “lọt” vào các cơ sở nuôi dưỡng chuyên và không chuyên.

Cuộc sống của trẻ em các nơi dồn về Hà Nội rất đa dạng, do đó để có được sự ổn định trên địa bàn thì trách nhiệm đặt lên vai chính quyền rất nặng nề.

Quản lý lỏng lẻo

Lâu nay, dư luận nghe nhiều về tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục, đánh đập, tình trạng mua bán trẻ em..., tuy nhiên, việc phòng chống các hành vi này vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Nếu tìm kiếm trên mạng Internet, có thể thấy rất nhiều bài viết xúc động ngợi ca tấm lòng từ bi nơi cửa phật, mặc dù những nơi này nuôi trẻ không phép. Sự cảm thông, trân trọng đối với nhà chùa đã cưu mang trẻ là rất cần thiết nhưng cũng cần nhìn nhận theo góc độ pháp lý bởi hiện nay, nhiều nơi nhận và nuôi trẻ khá tự do, không đúng trình tự. Chỉ khi xảy ra sự việc bất thường nào đó, các địa chỉ này mới bị “chỉ trích và mổ xẻ."

Ông Đặng Văn Bất cho biết theo Nghị định 68 của Chính phủ năm 2008, Nhà nước khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức trong nước, nước ngoài, cơ sở tôn giáo thành lập các cơ sở để nuôi trẻ. Cá nhân, tổ chức muốn nhận nuôi trẻ phải được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho phép thành lập “cơ sở” dựa trên các tiêu chí như cơ sở vật chất, diện tích mặt bằng, điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Nhưng thực tế, ở các cơ sở tôn giáo, nhất là ở các ngôi chùa, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Điển hình như chùa Bồ Đề, quận Long Biên nổi tiếng cổ kính, lâu nay vẫn được xem là mái nhà của trẻ thơ, nuôi dạy gần 200 cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa lại là nơi hoạt động nuôi trẻ trái với quy định. Việc ngôi chùa này vì quản lý lỏng lẻo, để kẻ xấu lợi dụng mua bán trẻ em đang gây xôn xao dư luận, là bài học đắt giá đối với việc quản lý trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

Với những "lùm xùm" xung quanh vụ việc tại chùa Bồ Đề, có thể thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương đã tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật xảy ra.

Đơn cử, hàng trăm trẻ em sinh sống tại chùa Bồ Đề trong một thời gian dài nhưng chính quyền quận Long Biên chưa quyết liệt đốc thúc làm thủ tục thành lập “Cơ sở nuôi trẻ” để quản lý một cách bài bản, minh bạch. Công tác này ở chùa dường như phó mặc cho một ni sư trụ trì không có nghiệp vụ quản lý.

Ngoài ra, khi một cháu nhỏ bị bỏ rơi tại chùa, lẽ ra chính quyền, công an phường sở tại phải lập biên bản rồi báo cáo cấp trên ra quyết định đưa cháu nhỏ đi đâu, về đâu, nhưng việc khai báo lại chủ yếu do nhà chùa chủ động thực hiện và sau đó, đương nhiên nhà chùa tiếp tục nuôi dưỡng cháu nhỏ.

Trước đó, ngày 16/8/2013, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội Hà Nội từng có công văn 1847 gửi Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, trong đó “đề nghị quận Long Biên chỉ đạo phường Bồ Đề thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chùa Bồ Đề phân loại đối tượng trẻ và đề nghị thành phố tiếp nhận các em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội" nhưng đến nay, chùa vẫn chưa thực hiện theo đúng quy định.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đề nghị với quận Long Biên hướng dẫn chùa Bồ Đề thực hiện một số nội dung như tạm dừng tiếp nhận các đối tượng, nếu phát hiện đối tượng bị bỏ rơi tại chùa, chùa có trách nhiệm báo cáo chính quyền để làm thủ tục tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội theo quy định.

Sở cũng đề nghị quận Long Biên hướng dẫn chùa Bồ Đề tiến hành ngay việc rà soát phân loại đối tượng đang có mặt tại chùa, nắm bắt thông tin, đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe và nhu cầu các đối tượng. Nếu có địa chỉ rõ ràng thì chùa liên hệ và làm thủ tục bàn giao trẻ về địa phương đó. Những đối tượng không xác định được địa chỉ thì chùa làm thủ tục đưa các em vào trung tâm nuôi dưỡng của thành phố.

Gần đây nhất, ngày 9/6/2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục có văn bản 1575 gửi Ủy ban Nhân dân quận Long Biên về việc quản lý trẻ em ở chùa Bồ Đề. Nội dung ghi rõ: "Đề nghị quận Long Biên chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn Trụ trì chùa Bồ Đề về trình tự thủ tục để xin phép cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập và giám sát việc hoạt động nuôi trẻ..."

Tuy nhiên, đến nay quận Long Biên vẫn chưa thực hiện được tinh thần những đề nghị nêu trên.

Không chỉ chùa Bồ Đề, trên địa bàn Hà Nội hiện có một số chùa đang nuôi dưỡng trẻ như chùa Suy Xá (huyện Mỹ Đức); chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)... nhưng các chùa này cũng chưa được cấp phép nuôi trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục