Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Thanh tà tà vẹt bằng gỗ trên cầu đường sắt qua sông Ba thành phố Tuy Hòa, Phú Yên thường xuyên được bảo dưỡng, thay thế. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ngày 12/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5133/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.

Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

[Dự án nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ đồng chưa thể về đích]

Mục tiêu cụ thể như sau: Về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%.

Về kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (Hà Nội-Vinh, Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế; duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục