Năng động kết nối giao thương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM

Để có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 của TP.HCM đạt hơn 32 tỷ USD một yếu tố quan trọng là sự năng động, sáng tạo của nhiều đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn.
Năng động kết nối giao thương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM ảnh 1Một chương trình giao lưu thương mại Việt Nam-Thái Lan do VCCI-HCM tổ chức. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Để có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 của Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 32 tỷ USD, tăng 8,8% và kim ngạch nhập khẩu 30,690 tỷ USD tăng 7,2% so với năm trước, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là sự năng động, sáng tạo của nhiều đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn, góp phần tích cực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố ngày càng bền vững.

Với sự năng động, nhiều giải pháp mới về xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại trong và ngoài nước, những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình khảo sát thị trường, giao lưu thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thiết thực cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh giữ vững thị trường nội địa, vươn ra thị trường quốc tế.

Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đón và cung cấp thông tin cho hàng trăm đoàn khách của các cơ quan ngoại giao, cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế cũng như những tập đoàn, công ty đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cầu nối trao đổi thông tin hiệu quả

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng năm 2014 thành phố đã tiếp và cung cấp thông tin cho hơn 70 đoàn khách từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tham gia các đoàn khách này, hầu hết là các doanh nghiệp hàng đầu, công ty đa quốc gia đến thành phố tìm hiểu về thủ tục đầu tư kinh doanh, môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm...

Đóng góp tích cực vào các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) đã đón tiếp và làm việc với 155 đoàn khách, gồm hơn 1.870 lượt khách của các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế đến thành phố để tìm hiểu thông tin về kinh tế, chính sách, đầu tư, thị trường cũng như các triển vọng hợp tác.

Mặt khác, đơn vị này cũng phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức 12 đoàn doanh nghiệp Việt Nam khảo sát thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...

Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết với gần 220 hội chợ chuyên ngành và đa ngành do ITPC phối hợp với đối tác trong và ngoài nước tổ chức trong năm qua, Thành phố đã thu hút hàng nghìn công ty tham dự, góp phần tăng cường các hoạt động giao thương, hợp tác, ký kết nhiều hợp đồng thương mại.

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư (MIS), thường xuyên thông tin đến khách mua hàng, nhà đầu tư nước ngoài và nhà nhập khẩu. Đồng thời không ngừng đẩy mạnh cập nhật các báo cáo về thị trường, văn bản pháp luật mới nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu và nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Một trong những chương trình xúc tiến đầu tư được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả là Chương trình Hợp tác thương mại giữa thành phố với các tỉnh, thành trong cả nước.

Cụ thể, các chương trình hợp tác thương mại các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ, khu vực miền Bắc và miền Trung được triển khai và đã lan tỏa đến nhiều vùng, miền trong cả nước, tạo điều kiện để sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nội địa giữa các địa phương trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.

Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình Hợp tác thương mại với 35 tỉnh, thành phố, đặc biệt là những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 1.165 dự án, tổng giá trị ước khoảng 279.503 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt tại thị trường nội địa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã triển khai hơn 140 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Riêng các hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao” luôn thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia, với số lượng gian hàng duy trì ổn định trên 300 gian hàng/hội chợ.

Chất lượng xúc tiến ngày càng nâng cao

Từ những chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư hiệu quả, chất lượng xuất khẩu của thành phố tiếp tục được nâng lên và phát triển hướng bền vững.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của thành phố đã chuyển biến tích cực với nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm mức cao 69,4%; đồng thời thị trường xuất khẩu được phát triển phù hợp, theo hướng đa dạng hóa thị trường, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường.

Điển hình trong năm 2014, xuất khẩu của Thành phố tăng mạnh ở Hàn Quốc, Nhật Bản; các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng có xu hướng chuyển đổi thị trường nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Italy, Ấn Độ...

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những năm trước mức tăng kim ngạch xuất khẩu thường phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI thì năm nay doanh nghiệp trong nước đã có sự tăng trưởng khá với mức 8,5%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng cao so với năm trước có thể kể đến gạo, thủy sản, càphê, hạt tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và sản phẩm điện tử, cao su... Trong đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu gồm khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 57,49%, châu Âu 17,94%, châu Mỹ 21,26%, châu Phi và châu Đại Dương 3,31%.

Đánh giá về hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn thành phố, nhiều doanh nghiệp cho rằng các đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư đã chủ động định hướng thị trường tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi bước đầu cho doanh nghiệp để thâm nhập và mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Túi xách Minh Tiến, nhấn mạnh các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư đã phối hợp với nhà sản xuất, nhà phân phối nội địa tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại những hội chợ, triển lãm cũng như các chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước. Thông qua đó vừa giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng kinh doanh, vừa quảng bá hàng Việt Nam ra các thị trường tiềm năng.

Theo Giám đốc VCCI-HCM Võ Tân Thành, các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn thành phố được nhiều đối tác trong và ngoài nước đánh giá ngày càng cao về tính chuyên nghiệp trong tổ chức, kết nối và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Các đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư đã sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi, xây dựng và phát triển sản xuất-kinh doanh, đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.