Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm "giữ chân" nhà đầu tư Nhật Bản

Với những cải cách về môi trường đầu tư, TP.HCM trở thành điểm đến của doanh nghiệp Nhật Bản với gần 670 dự án và tổng vốn gần 4 tỷ USD.
Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm "giữ chân" nhà đầu tư Nhật Bản ảnh 1Khu Kỹ nghệ Việt Nhật giai đoạn 1. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có sự quan tâm hơn đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đón đầu xu hướng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị, đón tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường và xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, để có thể "giữ chân" các nhà đầu tư Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng những yêu cầu mà “vị khách” khá kỹ tính này đưa ra.

Từ nơi đất lành...

Năm 2014 có thể nói là năm "được mùa" của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Cùng với đó, nhiều diễn đàn, hội thảo cũng được tổ chức thu hút hàng trăm doanh nghiệp hai nước tham gia. Vào những ngày đầu năm 2015, đoàn Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản do Bộ trưởng Koya Nishikawa dẫn đầu cùng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thuộc lĩnh vực nông nghiệp đến Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, ký kết các chương trình hợp tác.

Theo Bộ trưởng Koya Nishikawa, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư và mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế cũng như hợp tác với các doanh nghiệp địa phương.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản có nhiều công ty có công nghệ sản xuất cao và đang cần tìm đối tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam để hợp tác, chuyển giao công nghệ. Việc lãnh đạo thành phố và Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản xúc tiến hợp tác sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội kinh doanh hợp tác tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thời gian qua, các cuộc tiếp xúc, diễn đàn hội thảo giữa lãnh đạo các sở ngành, đơn vị liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh với các đối tác Nhật Bản, các lĩnh vực được cả hai bên quan tâm rất phong phú, từ đầu tư thương mại, công nghiệp, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp, phát triển hạ tầng đến dịch vụ ăn uống, nhà hàng, giáo dục, lao động việc làm...

Tại cuộc gặp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về môi trường đầu tư, ông Takaki Hiromori, Tổng Giám đốc Tập đoàn Daiwa House (Nhật Bản) đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiềm năng, phù hợp với mục tiêu phát triển và mở rộng của Tập đoàn. Daiwa House đang tìm kiếm các cơ hội để đầu tư vào các dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh Trước mắt, Daiwa House hợp tác với Công ty Hoa Lâm đầu tư cao ốc cho thuê với quy mô khoảng 100 phòng.

Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, ông Itatani Youhei, Giám đốc điều hành Công ty Bichoi Co.LTD cho biếtThành phố Hồ Chí Minh có lợi thế dân số đông, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách nước ngoài, trong đó có nhiều du khách Nhật Bản nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống của Nhật Bản rất muốn mở rộng đầu tư tại đây.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại thành phố, ông Sakagami Tsutomu, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban Môi trường kinh doanh của JBAH cho rằng, thành phố đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết nhanh chóng những khó khăn và đề xuất của các doanh nghiệp đầu tư. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có môi trường đầu tư thân thiện.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm và muốn chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2014, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của Nhật Bản. Đây là điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực.

Doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư gần 670 dự án tại thành phố với tổng vốn gần 4 tỷ USD và sẽ không dừng lại vì có nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm đến đầu tư tại thành phố.

...đến tạo điều kiện cho "chim làm tổ"

Để cụ thể hóa các cam kết trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư của Nhật Bản vào Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, nhiều chương trình hợp tác cụ thể giữa các cơ quan chức năng của thành phố và các đối tác từ Nhật Bản đã được triển khai.

Cuối năm 2014, Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) và Sở thương mại-Công nghệ-Du lịch-Lao động tỉnh Shiga (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác về các nội dung cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp hai bên kết nối kinh doanh; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm tại Nhật Bản.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, nhằm tạo điều kiện đón nhận luồng đầu tư này, SHTP đã quy hoạch gần 20ha trong giai đoạn 2 (613ha) dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vừa và nhỏ của Nhật Bản.

Tương tự, Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) và tỉnh Ehime, Nhật Bản cũng đã ký hợp tác cùng hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Ehime đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp tại thành phố.

Theo Hepza, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào 4 ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm điện-điện tử, hóa dược, cơ khí, chế biến tinh lương thực-thực phẩm, thành phố đã dành quỹ đất khoảng 200ha tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh), đồng thời hỗ trợ các thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, quản lý lao động, môi trường cho các doanh nghiệp tỉnh Ehime nói riêng và Nhật Bản nói chung.

Để hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Công nghiệp Kansai-Nhật Bản đưa vào hoạt động Bàn Kansai tại Hepza với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ quan chức năng thành phố.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Việt-Nhật tại Khu công nghiệp Hiệp Phước với quy mô hơn 100ha và trên 1.000ha dành cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Vào tháng 12/2014, Khu kỹ nghệ Việt-Nhật đã đi vào hoạt động giai đoạn I, với số vốn đầu tư 31 triệu USD và hiện đã có những doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, dưới góc độ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có những yêu cầu, tiêu chí khá rõ ràng trước khi quyết định đầu tư. Theo lãnh đạo các địa phương Nhật Bản, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần giảm những thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục đầu tư, chuẩn bị nguồn lao động... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cách tiếp cận tích cực với các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, chuỗi cung ứng lạnh; củng cố hệ thống pháp luật dựa trên Luật An toàn thực phẩm và cải thiện tính minh bạch trong công tác quản lý luật và các quy định liên quan đến thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản cho rằng, để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng được kế hoạch phát triển tổng thể, chìa khóa ở đây chính là xây dựng một thành phố thân thiện với môi trường, quy hoạch giao thông hiện đại.

Trong đó. phát triển hạ tầng giao thông rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Cụ thể hơn, ông Hyakkoku Hiroto, Chủ tịch JBAH cho rằng Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa mới có thể thu hút thêm được nhà đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng từ doanh nghiệp Nhật Bản./.


Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JBAH), trong năm 2014, hiệp hội có hơn 100 thành viên mới gia nhập đưa tổng số hội viên lên hơn 700.

Trong khi đó, ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng 750 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động và có khoảng 7.300 công dân Nhật Bản thường xuyên làm việc, công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.