Du lịch Việt Nam: Cách nào để 'thoát top điểm đến giá rẻ'?

Nâng giá du lịch Việt: Thêm sản phẩm đặc thù, tăng thân thiện dịch vụ

Sở hữu 8 di sản vật thể, 15 di sản phi vật thể,11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản được thế giới công nhận, luôn được coi là điểm đến an toàn... không lý nào VN mãi là "điểm đến giá rẻ."
Hãy để những nụ cười quốc tế luôn thường trực trong suốt hành trình khám phá và trải nghiệm điểm đến Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hãy để những nụ cười quốc tế luôn thường trực trong suốt hành trình khám phá và trải nghiệm điểm đến Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gõ “Việt Nam điểm đến giá rẻ” trên google, 259.000.000 kết quả hiện ra chỉ trong 0,32 giây tìm kiếm, hay “Vietnam cheap destinations” cũng chỉ tốn 0,40 giây cho 176.000.000 kết quả…

Điều này cho thấy thực tế nhiều du khách muốn trải nghiệm Việt Nam trên phương diện là quốc gia rẻ nhất cho mỗi hành trình của họ, trong khi đây lại không phải là mục tiêu của ngành du lịch nước nhà. Bởi lãnh đạo Tổng cục Du lịch xác định giai đoạn tới phải tập trung khai thác dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu cao.

Vậy làm thế nào để “công nghiệp không khói” có thể cải thiện hình ảnh này và vươn tới những "tầm cao" mới?

Một Việt Nam "giá rẻ"

Tạp chí du lịch quốc tế nổi tiếng Condé Nast Traveler (CNTraveler) của Mỹ vừa công bố đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm đến du lịch rẻ nhất châu Á năm 2023. Danh sách bình chọn còn xếp Việt Nam gần như ngang hàng với Lào và Campuchia.

Trong khi đó, tạp chí Traveller của Australia cũng bình luận Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch rẻ nhất châu Á, khi du khách chỉ cần trả chưa tới 2 USD cho một cốc bia hoặc càphê, cũng không phải trả nhiều hơn cho một bát phở; 50 USD đủ để ở một khách sạn tử tế và 170 USD cho một khách sạn hạng sang… 

Nâng giá du lịch Việt: Thêm sản phẩm đặc thù, tăng thân thiện dịch vụ ảnh 1Một trong những quần thể vui chơi giải trí cao cấp ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng The Travel đến từ Canada, hay thậm chí chuyên trang du lịch Escape của Australia còn khẳng định: “Muốn đi du lịch giá rẻ? Việt Nam là địa điểm mang lại giá trị nhất tại châu Á.”

Với từng đó bình chọn, dường như Việt Nam đã trở thành điểm đến giá rẻ của châu Á trong mắt truyền thông quốc tế, những chuyên trang du lịch uy tín.

[Chính phủ có nhiều đề xuất cởi mở nhằm “cởi trói” cho du lịch]

Cũng từng là một “tây balô” khi lần đầu tiên đến Việt Nam nhiều năm trước, nhưng giờ đây, khi quyết định gắn bó lâu dài với đất nước nhiệt đới châu Á này, tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam lại rất trăn trở.

Ông chia sẻ. “Tôi không thích là khi gõ chữ Việt Nam vào YouTube thì những mục đầu tiên xuất hiện là làm thế nào để đến Việt Nam chi tiêu ít hơn 100 USD? Điều này sẽ thu hút những du khách muốn đi du lịch rẻ nhất có thể và họ thường sẽ không quay trở lại.”

Nâng giá du lịch Việt: Thêm sản phẩm đặc thù, tăng thân thiện dịch vụ ảnh 2Khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ phong cách hoàng gia ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đánh giá cao vai trò của truyền thông đối với việc thu hút dòng khách quốc tế chi trả cao đến Việt Nam cũng như làm sao để cải thiện hình ảnh, góp phần đưa điểm đến Việt Nam thoát top danh sách “điểm đến giá rẻ,” tiến sỹ Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh: “Truyền thông có vai trò lớn trong việc thúc đẩy khách quốc tế đến Việt Nam, lan tỏa hình ảnh Việt Nam là một điểm đến thú vị, tươi đẹp. Nhưng quan trọng là phải thể hiện đây là một điểm đến có giá trị.”

Làm sao nâng giá du lịch Việt?

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Trung Lương-thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực.

Sở hữu 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận, được xem là điểm đến an toàn, thân thiện… là cơ sở để chúng ta xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp và khác biệt, góp phần nâng giá cho hình ảnh điểm đến Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World- Tập đoàn Sun Group, cho rằng với nguồn tài nguyên phong phú, Việt Nam hoàn toàn xứng là điểm đến được du khách chi mạnh tay nhất, chứ không phải nơi du lịch giá rẻ.

Các chuyên gia cho rằng để nâng tầm hình ảnh du lịch quốc gia cũng như đưa điểm đến Việt Nam trở thành lựa chọn của dòng khách cao cấp, bán sản phẩm được giá cao, doanh nghiệp phải thuyết phục được khách hàng bằng những lựa chọn hấp dẫn, kết hợp nhiều trải nghiệm mới lạ, chuỗi dịch vụ...

Lữ hành có thể bán giá tour không quá đắt, nhưng khách thường rất hào phóng, nên hãy khéo léo tạo cảm xúc để họ sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ cao cấp “đính kèm” như spa, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí... được phục vụ liên hoàn, chuyên nghiệp.

Đó chính là cách để khách tự nguyện chi trả cao cho kỳ nghỉ ở Việt Nam.

Nâng giá du lịch Việt: Thêm sản phẩm đặc thù, tăng thân thiện dịch vụ ảnh 3Một trong những vở diễn thực cảnh mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam từng trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Nuno F. Ribeiro gợi ý giải pháp ngắn hạn và dễ thực hiện nhất là đưa những video quảng bá, giới thiệu ngắn khoảng 5 phút lên các chuyến bay cho khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu, giúp họ hình dung sẽ được trải nghiệm những cảnh quan, văn hóa độc đáo gì của Việt Nam. Cách làm đó đã được NewZealand, Australia… làm rất tốt.

“Những đoạn phim ngắn không chỉ giúp du khách thêm trải nghiệm thú vị để hiểu Việt Nam là một đất nước thú vị, hấp dẫn với nhiều trải nghiệm, mà quan trọng là sẽ giúp họ có ý niệm về việc sẽ quay trở lại đất nước các bạn lần thứ 2, thứ 3, ngay từ trước khi họ đặt chân đến Việt Nam,” tiến sỹ Nuno F. Ribeiro chia sẻ.

Mặt khác, theo các chuyên gia, phát triển "kinh tế đêm" là cần thiết để níu chân và tăng mức chi tiêu của du khách. Bởi lẽ, ban ngày họ đi tham quan và chủ yếu tiêu xài không đáng kể vào các dịch vụ ăn uống, giải trí, tới đêm mới là lúc họ chi mạnh tay cho mua sắm. Sở dĩ lượng khách quốc tế trở lại Thái Lan nhiều lần cũng nhờ kinh tế đêm ở đây hấp dẫn, chứ không phải vì “xứ chùa vàng” nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hơn nước ta.

Để tạo tin tưởng cũng như truyền thông được những thông tin chính xác nhất cần phải có văn phòng đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, mặc dù chúng ta từng có văn phòng đại diện ở Nhật Bản, Anh quốc, nhưng hoạt động thực sự chưa hiệu quả.

“Hãy dành thêm ngân sách để quảng bá hình ảnh Việt Nam,” tiến sỹ Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh. Bởi thực tế, Việt Nam đang chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.

Nâng giá du lịch Việt: Thêm sản phẩm đặc thù, tăng thân thiện dịch vụ ảnh 4Thiên nhiên kỳ thú ở vùng cao Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải pháp trung hạn được các chuyên gia nêu ra là cần cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực… Về lâu dài, giải quyết vấn đề về ô nhiễm, bao gồm ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí sẽ góp phần nâng cấp hình ảnh điểm đến Việt Nam.

Thực tế, phần lớn khách du lịch không chỉ tìm kiếm một chuyến đi mà là một trải nghiệm. Trải nghiệm đó càng phong phú, chất lượng thì càng khiến du khách thích thú, muốn trở lại khám phá tiếp và không ngần ngại “mở hầu bao.”

Quan trọng hơn, trải nghiệm mà chạm tới cảm xúc sẽ càng gây "thương nhớ" cho khách tới nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục