Các bang Texas và California có thể bị cắt điện khi một đợt nắng nóng trên diện rộng diễn ra ở khu vực phía Tây nước Mỹ.
Các thành phố ở khu vực trung tâm sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang phải phân bổ điện. Giá điện tại châu Âu hiện cao hơn nhiều so với bình thường trong thời điểm này của năm.
Hạn hán đang làm cạn các hồ chứa nước từ Brazil tới vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Nắng nóng cực đoan kết hợp với hạn hán kéo dài, nhu cầu sử dụng điện hậu COVID-19 tăng mạnh, giá nhiên liệu hóa thạch tăng và sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không dễ dàng đã gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng trên toàn cầu.
Với hàng triệu gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới, mùa Hè năm nay có thể nóng và kéo dài, với hóa đơn tiền điện tăng, điện được phân bổ và trong tình huống xấu nhất là bị cắt điện. Giá năng lượng tăng cũng sẽ gây thêm sức ép lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu.
[Mỹ: California và Texas cắt điện luân phiên trong cao điểm nắng nóng]
Thời tiết cực đoan, thậm chí trước mùa bão, cho thấy tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng đã làm tăng mức tiêu thụ điện khi người dân bật điều hòa, trong khi các hệ thống điện, đặc biệt là những hệ thống đang chuyển hướng dừng sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch khác, thường dễ chịu tác động trước biến động về nhu cầu.
Tại Mỹ, nhiều bang chuẩn bị cho khả năng cắt điện trong mùa Hè này khi nhiệt độ tăng từ New England tới California. Mạng lưới điện của California đứng trước sức ép khi nhiệt độ được dự báo tăng lên trên 43 độ C trong tuần này. Nhà điều hành mạng lưới điện Texas đã yêu cầu khách hàng giảm sử dụng điện trong tuần này khi đợt nắng nóng diễn ra.
Thời tiết chỉ là một phần của vấn đề. Tình hình càng trầm trọng hơn khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Nhu cầu sử dụng điện, sau khi giảm mạnh do các thành phố từ Bắc Kinh đến Frankfurt bị phong tỏa, đang tăng mạnh do người lao động quay trở lại văn phòng và nhà máy.
Một số khu vực ở châu Âu đang chứng kiến nhu cầu tăng về mức trước đại dịch. Với dự trữ khí đốt thấp, than được sử dụng nhiều hơn dù giá tăng. Điều này có nghĩa giá điện tại một số nước ở Liên minh châu Âu có thể cao hơn nhiều so với bình thường trong thời điểm này của năm.
Tại Trung Quốc, mức tiêu thụ điện trong tháng Năm tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra tình trạng thiếu điện.
Các yếu tố khác đang gây ra các vấn đề về cung ứng, với hạn hán làm giảm nguồn thủy điện và việc các nhà máy dừng hoạt động ảnh hưởng đến lĩnh vực điện hạt nhân. Nhật Bản đang dự kiến nguồn cung điện sẽ thắt chặt nhất trong vài năm./.