Nên bãi bỏ bản quyền vaccine cho đối tác có khả năng

Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn với Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y về đề xuất bãi bỏ tạm thời bản quyền vaccine phòng COVID-19 còn nhiều tranh cãi.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y. (Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS)

Đề xuất bãi bỏ tạm thời bản quyền vaccine phòng COVID-19 được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn thế giới nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Xung quanh chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y - một trong những đơn vị đang tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19.

- Xin ông khái quát về tình hình sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên thế giới và khả năng đáp ứng nhu cầu vaccine phòng COVID-19 hiện nay?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng: Như chúng ta đã biết vaccine có tầm quan trọng đặc biệt như một thứ vũ khí then chốt để chấm dứt “cuộc chiến” chống lại đại dịch COVID-19. Vì vậy, ngay từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, rất nhiều quốc gia đã bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất vaccine. Cho đến nay, thế giới đã có hơn 10 loại vaccine được đưa vào sử dụng, trong đó có những loại được cấp phép chính thức, có những loại được cấp phép khẩn cấp.

Đặc biệt, những nước như Mỹ, Anh, một số nước EU, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga là những quốc gia đang có lượng vaccine sản xuất với số lượng khá lớn. Bên cạnh đó còn có những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm để tiến tới sản xuất vaccine.

Mặc dầu hiện nay thế giới đã sản xuất ra một lượng khá lớn nhưng với hơn 7 tỷ người trên hành tinh, để đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, lượng vaccine hiện tại chưa thể đáp ứng ngay. Đây là vấn đề rất khó khăn, thậm chí phải mất một vài năm nữa.

- Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất xóa bỏ tạm thời bản quyền vaccine COVID-19 và đề xuất này được người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ và Trung Quốc ủng hộ. Vậy theo ông, đề xuất này sẽ mang lại lợi ích gì nếu được thông qua?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng: Đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi về bãi bỏ bản quyền vaccine được nhiều quốc gia chưa có vaccine hoặc có khả năng sản xuất vaccine rất đồng tình. Những nước ủng hộ cho rằng việc bãi bỏ bản quyền vaccine sẽ giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine, giúp cung cấp cho thế giới một lượng vaccine đủ lớn để có thể nhanh chóng đưa thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC cho tình nguyện viên đầu tiên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhiều chính phủ cũng như đại diện các hãng sản xuất vaccine lớn không đồng ý với quan điểm như vậy, bởi hai lý do. Thứ nhất, bản quyền sản xuất vaccine gắn liền với lợi nhuận. Thực tế là các hãng sản xuất vaccine đã đầu tư rất lớn cho nghiên cứu, phát triển công nghệ vaccine trong khi đây lại là một dạng đầu tư rủi ro. Vì vậy, nếu bãi bỏ bản quyền vaccine có thể sau này sẽ không khuyến khích được các hãng công nghệ, các nhà khoa học nghiên cứu ra những dược phẩm hay vaccine nữa.

[Thứ trưởng Phạm Công Tạc tiêm thử vaccine Nano Covax phòng COVID-19]

Thứ hai, để sản xuất ra vaccine đảm bảo các tiêu chuẩn ngặt nghèo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chỉ là vấn đề bản quyền mà còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực và kinh nghiệm sản xuất. Thực tế là trên thế giới, số quốc gia có năng lực sản xuất vaccine, còn được gọi là quốc gia vaccine, không có nhiều. Vì vậy, khi bản quyền vaccine được bãi bỏ thì chưa chắc những nơi tiếp nhận bản quyền đó đã có thể sản xuất được vaccine.

Thêm vào đó, vaccine được sản xuất ra từ các nguyên liệu, sinh phẩm đặc thù và nguồn nguyên liệu đó cũng có hạn. Hiện tại, Mỹ là quốc gia cung cấp chủ yếu nguồn nguyên liệu sản xuất vaccine. Nếu bãi bỏ bản quyền vaccine nhiều nước sẽ chủ động sản xuất vaccine nhưng nguồn cung nguyên liệu, sinh phẩm có đáp ứng được đủ cho sản xuất vaccine hay không lại là câu chuyện cần tính đến…

Tóm lại, bãi bỏ bản quyền vaccine sẽ mở ra cơ hội, đặc biệt cho các quốc gia có năng lực thật sự về sản xuất vaccine. Nếu công suất hiện nay của các tập đoàn sản xuất vaccine bị quá tải việc nhường bản quyền cho những trung tâm sản xuất khác có đủ năng lực là rất cần thiết để nhanh chóng đưa ra thị trường một lượng vaccine đủ lớn để đẩy nhanh tiến độ đạt được miễn dịch cộng đồng.

- Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới được WHO công nhận có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, nhân lực và nguyên liệu để bào chế vaccine. Vậy đâu là cơ hội cho Việt Nam nếu đề xuất bãi bỏ bản quyền vaccine được thông qua?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng: Ngay từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế cùng với các đơn vị đã đặt vấn đề là phải nghiên cứu sản xuất trong nước vaccine phòng COVID-19. Cho đến nay, Việt Nam có 4 loại vaccine được tiến hành nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm. Việc nghiên cứu này được giao cho 4 đơn vị; trong đó vaccine NanoCovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, là vaccine đang có tiềm năng nhất và khả thi nhất để có thể đưa ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Học viện Quân y là đơn vị được Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Cộng nghệ, Bộ Y tế giao nhiệm vụ đánh giá thử nghiệm lâm sàng vaccine NanoCovax. Hiện chúng tôi đã hoàn thành hai giai đoạn đánh giá. Giai đoạn đầu tiên mục tiêu chính là đánh giá độ an toàn, bởi vì vaccine là sinh phẩm có thể gây nên những dị ứng hoặc thậm chí là sốc phản vệ. Chính vì vậy, khi tiêm vào cơ thể thì độ an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó đánh giá hiệu quả kích thích sinh kháng thể của cơ thể của vaccine

Sau giai đoạn đầu tiên, Học viện Quân y và các cơ quan chức năng đã có những đánh giá NanoCovax là vaccine an toàn trên những người tình nguyện tiêm thử nghiệm và bước đầu cho thấy hiệu quả sinh kháng thể tốt. Giai đoạn hai tiếp tục đánh giá độ an toàn, tính hiệu quả đồng thời nghiên cứu về liều tối ưu.

Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu trên ba liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg. Thử nghiệm trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cho thấy cả ba liều này đều có khả năng sinh kháng thể và khả năng trung hòa virus tương tự nhau nên trong đề cương thử nghiệm giai đoạn 3, Công ty Nanogen và Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế quyết định sẽ sử dụng liều thấp nhất là 25mcg. Như vậy vaccine vẫn đạt được hiệu quả sinh kháng thể mà lại giúp tiết kiệm được nguyên liệu. Hiện Bộ Y tế đã thông qua đề cương nghiên cứu giai đoạn 3 để có thể bắt đầu thử nghiệm trong nửa đầu tháng Sáu.

Quay trở lại câu chuyện là bãi bỏ bản quyền vaccine rõ ràng nếu Việt Nam có được bản quyền những vaccine nước ngoài đã được cấp phép để sản xuất trong nước sẽ rút ngắn được thời gian đưa vaccine ra thị trường so với các vaccine mà Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu hoặc đánh giá thử nghiệm ở giai đoạn đầu.

Một khâu trong kiểm định chất lượng vaccine Covivac. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Theo tôi, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có thể đáp ứng được yêu cầu về sản xuất vaccine nếu như có bản quyền. Đây cũng là một cơ hội cho chúng ta để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, thậm chí tương lai chúng ta có thể xuất khẩu vaccine để xuất khẩu.

- Như ông đã nói, cũng như chia sẻ của nhiều chuyên gia, sản xuất vaccine không giống như các dược phẩm thông thường khác mà đòi hỏi một quy trình công nghệ và năng lực sản xuất đặc biệt không phải đối tác nào cũng có thể đáp ứng được. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng: Rõ ràng việc bỏ bản quyền vaccine có những điểm tích cực nhưng cũng có những điểm cần bàn luận. Theo quan điểm của tôi, không phải đối tác nào cũng có thể sản xuất được vaccine thành phẩm. Sản xuất vaccine đòi hỏi phải có cái dây chuyền công nghệ đạt chuẩn, môi trường đạt chuẩn, đặc biệt là nhân lực, kinh nghiệm… rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ cần công thức là được.

Tiếp nữa là vấn đề nguyên liệu. Chúng ta biết nguyên liệu sản xuất vaccine rất đặc thù, không phải quốc gia nào cũng có thể tạo ra được. Nó phụ thuộc vào một số quốc gia, một số hãng công nghệ sinh học. Vì vậy, ngay cả khi được trao bản quyền công nghệ, có công nghệ mà không có nguyên liệu thì cũng không tạo ra được vaccine.

Vì vậy, song song với vấn đề bản quyền thì việc bảo đảm được nguyên liệu, sinh phẩm cũng là một vấn đề then chốt.  Nhiều nhà khoa học e ngại, khi bản quyền được bãi bỏ thì rất nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn nghĩ rằng có thể sản xuất được vaccine nên sẽ đẩy mạnh thu mua nguyên liệu. Điều này sẽ làm nguyên liệu trở nên khan hiếm và khiến những nhà sản xuất vaccine có năng lực thật sự lại gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu.

Với tất cả những lý do này tôi cho rằng việc bãi bỏ bản quyền vaccine là cần thiết nhưng chỉ nên tập trung lựa chọn những đối tác thật sự có khả năng sản xuất vaccine. Điều này đòi hỏi WHO cũng như các quốc gia và tập đoàn có bản quyền vaccine phải có đánh giá cụ thể để đảm bảo lợi ích chung của nhân loại.

Đây là cuộc chiến chung của toàn thế giới và tôi cho rằng sự chia sẻ phải thật sự vì lợi ích chung của cộng đồng thế giới, của cả loài người chứ không phải vì lợi ích của những tập đoàn, của những quốc gia nào đó.

- Thưa ông, có những ý kiến cho rằng thay vì bãi bỏ bản quyền vaccine COVID-19 nên tập trung năng lực sản xuất cho các đối tác có khả năng thực sự để nhanh chóng tạo thêm nguồn cung vaccine rồi xuất khẩu sang các nước, trên cơ sở chia sẻ nhiều hơn giữa các nước giàu nước nghèo. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng: Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó. Chúng ta đã biết sản xuất ra vaccine không phải là một cậu chuyện dễ dàng. Vì vậy, chọn những đối tác thật sự có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm để sản xuất ra vaccine và nhanh chóng đưa ra thị trường với khối lượng lớn mới là giải pháp đúng đắn, nếu không việc sản xuất vaccine sẽ bị hạn chế, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng.

Đây là vaccine thứ 2 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vaccine Nanocovax, của Công ty Nanogen thử nghiệm trên người giai đoạn một từ ngày 10/12/2020. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển, đang nắm giữ phần lớn công nghệ cũng như nguyên liệu phải sẵn sàng chia sẻ với các quốc gia nghèo, những quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển. Có như vậy chúng ta mới nhanh chóng đẩy lùi được đại dịch trên toàn thế giới.

Tổ chức G7 trước đây đặt ra mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới vào năm 2024-2025. Nhưng gần đây, Thủ tướng Anh đã có một đề xuất táo bạo, nếu như thế giới ngồi lại với nhau, cùng đồng thuận có thể đẩy sớm thời điểm đạt miễn dịch cộng đồng lên cuối năm 2022. Đấy là một mục tiêu rất lớn, một kỳ vọng rất lớn nhưng tôi tin rằng, nếu như thế giới cùng nỗ lực và đồng thuận thì mục đó có thể đạt được.

- Song song với việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đang tìm nhiều nguồn để có thể mua hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Vậy ông có thể chia sẻ sâu hơn về các giải pháp mà Việt Nam đang triển khai để đáp ứng nhu cầu vaccine phòng COVID-19?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng: Việt Nam là một quốc gia có khả năng, có năng lực sản xuất vaccine và đồng thời cũng đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm, đánh giá những vaccine của chính mình, trong đó NanoCovax là một trong những vaccine có thể sớm được cấp phép khẩn cấp để sử dụng đại trà, giống như Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã làm.

Theo tôi biết năng lực sản xuất của Công ty Nanogen có thể đạt từ 2-3 triệu liều/tháng. Đó cũng là một phần rất quan trọng để góp phần thêm nguồn cung vaccine ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến lược của Chính phủ và Bộ Y tế hiện nay hết sức chính xác, hết sức đúng đắn. Đó là vẫn phải gia tăng tìm kiếm để nhập các vaccine đã được cấp phép từ nước ngoài để nhanh chóng có một lượng vaccine đủ lớn.

Ngoài ra, những doanh nghiệp mạnh, những đơn vị có năng lực sản xuất vaccine, nếu như có bản quyền thì cũng nhanh chóng sản xuất vaccine. Tôi cho rằng nếu phối hợp được cả ba nguồn vaccine gồm nhập khẩu, sản xuất dựa trên bản quyền, và tự nghiên cứu sản xuất như vậy, Việt Nam có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc là giữa năm 2022.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, câu chuyện vaccine COVID-19 không chỉ là câu chuyện trước mắt mà phải là câu chuyện lâu dài. Bởi vì, các nhà khoa học thế giới đều cho rằng khả năng duy trì kháng thể của vaccine chỉ tối đa là 1 năm, nên vaccine phòng COVID-19 nhiều khả năng sẽ cần phải được tiêm nhắc lại hàng năm. Như vậy, rõ ràng là một quốc gia với gần 100 triệu dân như Việt Nam sẽ cần lượng vaccine rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước vẫn sẽ là trụ cột về lâu dài.

Vaccine không chỉ là câu chuyện chống dịch, không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là câu chuyện chính trị. Một quốc gia nếu có khả năng nghiên cứu và sản xuất vaccine thì chắc chắn uy tín, vị thế, tầm ảnh hưởng sẽ khác với những quốc gia khác. Và Việt Nam may mắn là một quốc gia như vậy!

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục