“Nên bảo tồn nguyên trạng di sản trên chính nơi nó phát lộ”

Theo kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh, để việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả thì không gì tốt hơn là bảo tồn nguyên trạng di sản ngay tại chính nơi mà nó phát lộ.
“Nên bảo tồn nguyên trạng di sản trên chính nơi nó phát lộ” ảnh 1Phối cảnh ban ngày theo phương án thiết kế mã số RZ 866 (Ảnh: KTS Bùi Anh Phú Ninh cung cấp)

Lấy việc bảo tồn di sản theo đúng nguyên trạng, đảm bảo khả năng điều chỉnh linh hoạt khi tiếp tục triển khai các công tác khai quật, bảo tồn hiện vật… phương án thiết kế mang mã số RZ 866 của kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh và các cộng sự (đoạt giải ba tại cuộc thi “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”) được nhiều chuyên gia đánh giá là có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, đây là phương án duy nhất được thực hiện bởi những gương mặt “thuần Việt.”

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh về vấn đề bảo tồn khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng như phương án thiết kế “đi lên từ di sản” của anh và các cộng sự.

"Tôn trọng di sản tuyệt đối"

- Cuộc thi không có giải nhất và nhiều ý kiến cho rằng cả ba phương án đoạt giải cũng chưa hoàn hảo, chưa làm giới chuyên môn hài lòng một cách tuyệt đối. Theo anh, nên giải thích điều này bằng việc "đề bài" quá khó, hay bằng... năng lực của các kiến trúc sư Việt Nam?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Hiện nay, một số người nhìn vào việc thiết kế một công trình trọng điểm của Việt Nam, do phía Việt Nam chủ trì thiết kế, họ thường nhắc tới chuyện “năng lực.” Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì đây là một cuộc thi mang tầm quốc tế và có sự tham gia của nhiều đơn vị (cũng như kiến trúc sư) nổi tiếng trên thế giới.

Thậm chí, nhìn vào kết quả, hai giải thưởng cao nhất của cuộc thi đều thuộc về những đơn vị thiết kế có yếu tố nước ngoài. Bởi vậy, nếu kéo sang vấn đề “trình độ kiến trúc sư Việt Nam chỉ có vậy” là điều hoàn toàn không hợp lý.

Thêm nữa, chúng ta cũng không nên vì chưa thỏa mãn với kết quả thu về mà “đỗ lỗi” cho các yêu cầu mà đề bài đặt ra. Có lẽ, việc kết quả cuộc thi chưa làm ban giám khảo hài lòng tuyệt đối còn phụ thuộc vào quan điểm và cách nhìn của hội đồng giám khảo thôi!

“Nên bảo tồn nguyên trạng di sản trên chính nơi nó phát lộ” ảnh 2Lối vào chính theo phương án thiết kế mã số RZ 866 (Ảnh: KTS Bùi Anh Phú Ninh cung cấp)

- Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng các phương án dự thi đã phải “cõng theo” khá nhiều yêu cầu: bảo tồn di sản, mang dấu ấn kiến trúc riêng, chú trọng không gian xanh, hài hòa với các kiến trúc xung quanh… Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc kết hợp nhiều yêu cầu như vậy là việc không hề đơn giản, thưa anh?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Theo tôi, đây vẫn là vấn đề xuất phát từ cách nhìn.

Với tôi, Hoàng thành Thăng Long là biểu trưng số một về nền độc lập và sức sống của Việt Nam trong suốt hơn một nghìn năm qua. Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh với đế chế phương Bắc, cụm kiến trúc này vẫn tồn tại tuyệt đối như một trung tâm quyền lực, văn hóa và chính trị để người Việt hướng về. Trên thế giới, rất hiếm có những di sản gắn liền với số phận của quốc gia trong một thời gian dài như vậy.

Thiết kế khu vực này để giới thiệu với du khách quốc tế hay giáo dục thế hệ trẻ thì cũng là hướng tới giá trị cuối cùng này. Bởi thế, chúng tôi chọn cách thiết kế “Đi lên từ di sản” cho phương án của mình. Theo đó, mọi ý tưởng thiết kế đưa ra đều hướng về mục tiêu tôn trọng di sản một cách tuyệt đối và lấy yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản làm trung tâm.

- Vậy, trong quá trình hình thành phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, anh quan tâm nhất tới vấn đề gì?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Điều tôi quan tâm và trăn trở nhất là làm sao bảo tồn được đúng nguyên trạng khu di sản này. Bởi vậy, khi thiết kế phương án kiến trúc để giới thiệu đến du khách những giá trị của khu di tích này, tôi đặt yêu cầu bảo tồn di sản lên hàng đầu. Do đó, ở phương án chúng tôi đưa ra, kiến trúc bề mặt được hình thành từ di sản dưới lòng đất.

Hình thức kiến trúc được tạo ra không phải để khoác thêm một “chiếc áo mới” gây ảnh hưởng đến nguyên trạng của di sản; mà nó phải hướng đến việc bảo tồn nguyên trạng di sản đó.

- Cụ thể, phương án thiết kế mà anh và các cộng sự đưa ra là gì, thưa kiến trúc sư?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Theo quan điểm của tôi, các phương án thiết kế tham gia cuộc thi này thể hiện hai xu hướng kiến trúc.

Xu hướng thứ nhất, kiến trúc thiên về hình thức, chú trọng việc phô diễn vẻ bên ngoài mà bỏ qua tính chất bảo tồn nguyên trạng di sản. Sau đó, tùy theo hình dáng kiến trúc mà sắp xếp lại di sản ở phía dưới. Thậm chí, có trường hợp phải đào các hiện vật lên rồi trưng bày tại một vị trí khác (giống như mô hình của các bảo tàng trưng bày hiện vật). Xu hướng thứ hai là kiến trúc bám theo hiện trạng di sản đang sẵn có ở dưới lòng đất.

Phương án của chúng tôi là phương án duy nhất đi theo xu hướng thứ hai. Tức là, tôi coi di sản dưới lòng đất là thứ có sẵn; phần vỏ kiến trúc lựa theo di sản mà hình thành nên. Có như vậy, phương án mới đáp ứng yêu cầu giữ đúng tính nguyên trạng các hố khai quật đã phát lộ và các lớp di tích đang nằm dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, yêu cầu đề bài có nêu rằng, quá trình khảo cổ khu vực 18 Hoàng Diệu còn đang dở dang và sẽ còn tiếp tục được triển khai, mở rộng trong tương lai. Do vậy, chúng tôi đưa ra giải pháp kiến trúc mở và động, lấy cái “động” để bảo tồn cái “tĩnh.” Trong đó, cái “động” ở đây được hiểu là sử dụng giải pháp module (180x360) để bảo vệ cái “tĩnh” là các lớp di tích dưới lòng đất.

“Nên bảo tồn nguyên trạng di sản trên chính nơi nó phát lộ” ảnh 3Phối cảnh ban đêm theo phương án thiết kế mã số RZ 866 (Ảnh: KTS Bùi Anh Phú Ninh cung cấp)

Di sản quyết định kiến trúc chứ không thể áp đặt

- Anh có thể giới thiệu cụ thể hơn về phương án của mình?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Phương án của chúng tôi sử dụng nhịp module giúp cho hình thái kiến trúc có khả năng ứng biến linh hoạt tùy theo nhu cầu các giai đoạn khảo cổ.

Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến vấn đề khu vực 18 Hoàng Diệu vẫn còn là một công trình khảo cổ dở dang. Do đó, tôi quyết định chọn hình thái kiến trúc động thay vì kiến trúc cố định như các phương án khác. Tôi chọn hệ tường nổi (treo) bằng vật liệu bê tông nhẹ, xuyên sáng, với bước cột lớn nhằm làm giảm tải trọng xuống lòng đất. Cây xanh trong công viên được trồng vào các bồn lớn, vừa dễ xê dịch phục vụ khảo cổ khi cần, vừa tránh sự phát triển của hệ rễ xuống phía dưới.

Đặc biệt, để di sản được bảo tồn nguyên trạng tại vị trí cố định theo yêu cầu của UNESCO, các hướng đi trong công viên phải đặt ở những “tầng khác nhau.” Phía dưới lòng đất, trục tuyến tham quan của công trình được đặt song song với trục của các móng kiến trúc cổ để tránh “đè lên” di sản khi xây dựng. Tuy nhiên, ở lớp vỏ kiến trúc trên mặt đất được xoay lại, cùng với trục của nhà Quốc hội nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình.

Các điểm nhìn cận cảnh, trung cảnh và toàn cảnh sẽ giúp công chúng được tiếp cận di sản, nhìn ngắm hiện vật ở thể nguyên trạng, vốn có của chúng. Tôi cho rằng, để việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả thì không gì tốt hơn là bảo tồn nguyên trạng di sản ngay tại chính nơi mà nó phát lộ.

- Nghĩa là, vì tôn trọng tính nguyên trạng của di sản nên chấp nhận hạn chế “vẽ vời” sáng tạo ở những phần thiết kế khác?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Thật ra, trong quá trình tìm ý tưởng, chúng tôi cũng mất thời gian dựng ra những hình thái kiến trúc theo kiểu ấn tượng, bắt mắt hay có những đường nét mềm mại để phô diễn hình thức.

Tuy nhiên, càng tìm hiểu về khu di sản Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi càng nhận ra sự sa đà theo hướng ấy sẽ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trực tiếp lên di sản này.

Những tìm tòi về hình thức phù hợp với thể loại công trình bảo tàng. Hiểu đơn giản là chúng ta tạo ra một không gian để đặt hiện vật bên trong. Còn với di sản, hiện vật là thứ có sẵn, kiến trúc không gian phải là phần vỏ “bám theo” hiện trạng, thậm chí phải biến đổi để phục vụ nhu cầu khảo cổ. Di sản quyết định kiến trúc chứ không thể áp đặt, quan điểm của tôi là vậy.

- Thế nhưng, hướng đi ấy có vẻ khá “khiêm tốn” khi thể hiện cá tính của các kiến trúc sư khi một số ý kiến cho rằng, đây cũng phải có một công trình kiến trúc đặc sắc để chiêm ngưỡng cho xứng với giá trị... dưới lòng đất của nó? Bởi thế, một số giám khảo đã nhận xét rằng phương án của anh có tính khả thi cao nhất về mặt bảo tồn, nhưng nếu triển khai thì cần chỉnh sửa lại lớp “vỏ”?

Hà Nội là nơi "lắng hồn núi sông"

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Tôi thích cách định nghĩa của hai nhà mỹ học Burke và Hogarth, rằng: Cái đẹp “như sự biểu lộ tính quy luật của tự nhiên” hoặc cần được “xem như một phẩm chất của bản thân vật thể.” Còn lại, chuyện gây ấn tượng tới đâu sẽ phụ thuộc vào từng cách nhìn.

Bởi thế, khi thiết kế, chúng tôi đã kết hợp các yếu tố của nghệ thuật sắp đặt để tạo nên sự đa dạng và cá tính cho công trình. Với các tuyến đường khác nhau, du khách có thể tham quan khu di sản ở ba cấp độ không gian (cận cảnh, trung cảnh, toàn cảnh) và có những xúc cảm đa dạng nhờ những điểm nhìn và trường nhìn đặc biệt.

Hơn nữa, mỗi giai đoạn trong quy trình tham quan sẽ khác hẳn nhau, bởi không gian được phát triển theo dòng thời gian và theo quy trình khai quật...

Thêm nữa, tôi quan niệm, Hà Nội là nơi “lắng hồn” núi sông; mà đã là “lắng hồn” sông núi thì người ta phải ngẫm ngợi thì mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp ẩn sâu. Nếu mọi thứ đều phô diễn hết ra bên ngoài thì công chúng sẽ rất nhanh chán.

Thậm chí, việc nhấn mạnh vẻ đẹp phần bên trên còn có thể gây phản tác dụng. Bởi, điều này sẽ tạo nên sự tương phản giữa một bên là sự lộng lẫy, hoành tráng kiểu hiện đại với  một bên là những di tích trầm mặc lẫn trong đất đá.

Theo quan điểm của tôi, đối với công trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ, tốt hơn hết là nên thiết kế phần vỏ bên ngoài đơn giản, tinh tế sao cho thu hút được sự tò mò của khách tham quan. Khi đó, càng đi vào khám phá, người xem càng cảm thấy hứng thú với những điều họ được chiêm ngưỡng.

- Trân trọng cảm ơn anh!./.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố và trao giải cuộc thi “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội” vào chiều 24/6.

Cuộc thi được chính thức công bố vào sáng 12/2. Sau hơn ba tháng phát động và triển khai, đến trung tuần tháng Năm, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 24 đồ án của 23 đơn vị trong nước và quốc tế.

Kết quả chung cuộc, ban tổ chức đã trao hai giải nhì, một giải ba và ba giải khuyến khích.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục