Nền kinh tế Đức tiềm ẩn rủi ro dù phục hồi ổn định

Mặc dù có những dấu hiệu tốt nhưng rủi ro đối với kinh tế Đức vẫn rất cao, nguyên nhân là lượng đơn đặt hàng giảm và những bất ổn địa chính trị hiện tại gia tăng, đặc biệt là diễn biến ở Trung Đông.

Cảng container ở Hamburg, miền Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảng container ở Hamburg, miền Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức công bố cáo cáo cho thấy nền kinh tế nước này có dấu hiệu phục hồi theo hướng ổn định, mặc dù rủi ro đối với nền kinh tế "đầu tàu châu Âu" vẫn ở mức cao.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn báo cáo cho thấy các chỉ số kinh tế mới nhất đang thể hiện xu hướng đảo chiều, sau nhiều tháng trì trệ.

Điều này báo hiệu "sự ổn định dần của nền kinh tế," mặc dù bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều biến động.

Theo các dữ liệu, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ở các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, đã phục hồi rõ rệt từ đầu năm nay.

Kết quả này phần nào nhờ tác động từ thời tiết thuận lợi và người lao động trở lại làm việc sau khi số lượng nhân viên bị ốm tăng đáng kể vào cuối năm 2023.

Kỳ vọng kinh doanh của các công ty đã sáng sủa hơn đáng kể trong tháng 3 và tình hình kinh doanh hiện tại cũng được cải thiện. Lĩnh vực thương mại cũng có xu hướng phát triển tích cực. Tuy nhiên, lượng đơn đặt hàng công nghiệp mới đang giảm, dẫn đến lượng đơn hàng tồn đọng tại các doanh nghiệp sản xuất cũng giảm.

Trong lĩnh vực bán lẻ, báo cáo cho biết mặc dù sức mua dần ổn định, việc làm tiếp tục gia tăng, tâm trạng người tiêu dùng đã cải thiện đáng kể, nhưng tăng trưởng của ngành này cho đến nay vẫn còn yếu.

Mặc dù có những dấu hiệu tốt nhưng báo cáo cho rằng rủi ro đối với nền kinh tế Đức vẫn rất cao, nguyên nhân là lượng đơn đặt hàng giảm và những bất ổn địa chính trị hiện tại gia tăng, đặc biệt là những diễn biến ở khu vực Trung Đông.

Trong dự báo mới đây nhất, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu nước Đức cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm nay chỉ ở mức 0,1%. Phải đến năm 2025, tăng trưởng mới đạt mức cao hơn, dự kiến khoảng 1,4%.

Trong diễn biến tích cực liên quan, Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 12/4 đã xác nhận tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này trong tháng 3 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức lạm phát thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giá lương thực thực phẩm và năng lượng giảm đã góp phần quan trọng kéo lạm phát đi xuống.

Theo Chủ tịch Destatis Ruth Brandt, đây là lần đầu tiên giá lương thực thực phẩm giảm sau hơn 9 năm (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái), góp phần làm giảm tỷ lệ lạm phát trong tháng thứ hai liên tiếp.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng lạm phát ở Đức sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới và sẽ giảm còn 2,3% trong cả năm nay, sau mức 5,9% của năm ngoái.

Liên quan đến tình hình các ngành kinh tế, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng Đức đang tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn.

Kết quả khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) cho thấy tình hình xây dựng nhà ở vẫn căng thẳng. Lãi suất và chi phí xây dựng cao, trong khi số lượng đơn đặt hàng bị hủy bỏ tiếp tục tăng còn số lượng đơn hàng mới lại thiếu trầm trọng. Do thiếu đơn đặt hàng, nhiều công ty phải giảm hoạt động xây dựng.

Chuyên gia Klaus Wohlrabe của Viện Ifo nhận định tình hình sẽ còn tiếp tục ảm đạm trong những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.