Nét đẹp lễ cưới người Dao Thanh Phán

Nét đẹp trong lễ cưới truyền thống người Dao Thanh Phán

Nghi lễ tổ chức đám cưới của người Dao Thanh Phán, Bắc Giang vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa, luôn được đồng bào nơi đây gìn giữ.
Nét đẹp trong lễ cưới truyền thống người Dao Thanh Phán ảnh 1Thầy cúng chúc rượu mừng cô dâu chú rể trong đám cưới của người Dao. (Ảnh Thanh Hà/TTXVN)

Bắc Giang là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bản sắc của mỗi dân tộc làm cho bức tranh văn hóa Bắc Giang thêm sinh động và nhiều màu sắc.

Lễ cưới là một nghi thức có từ lâu đời, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, nhiều nghi lễ truyền thống trong đám cưới của một số dân tộc đã bị mai một hoặc mất đi những nét độc đáo.

Nghi lễ tổ chức đám cưới của người Dao Thanh Phán ở bản Mậu (Sơn Động) vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng về văn hóa trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán, luôn được đồng bào nơi đây gìn giữ, bảo tồn với mong muốn nét đẹp đó sẽ còn mãi với thời gian.

Với người Dao, một gia đình tổ chức lễ cưới cho con cũng là việc vui, ngày hội của cả làng bản. Vì thế để chuẩn bị cho ngày trọng đại, họ hàng hai bên phải chuẩn bị rất lỹ lưỡng và tỷ mỷ.

Có mặt tại đám cưới của chú rể Trịnh Quý Việt và cô dâu Triệu Thị Quỳnh, những người con của dân tộc Dao Thanh Phán ở bản Mậu, xã Tuấn Mậu, Sơn Động, mới thấy được nét đẹp, ý nghĩa của các phong tục này.

Điều khác biệt với nhiều dân tộc khác là khi tổ chức đám cưới của người Dao Thanh Phán, dù nhà trai gần hay xa thì chiều hôm trước vẫn phải sang bên nhà gái cùng cô dâu tiếp khách, đó cũng thể hiện sự hòa thuận, giúp đỡ giữa hai họ.

Trong đám cưới của người Dao Thanh Phán, thành phần không thể thiếu là thầy cúng và ít nhất hai người thổi kèn, họ có vai trò để đám cưới diễn ra đúng thủ tục. Trước buổi lễ đón dâu, thầy cúng sẽ làm lễ mời tổ tiên, thần linh về chứng kiến lễ cưới và xua đuổi những điều không tốt.

Lễ đón dâu là phần hết sức quan trọng và mang nhiều nét đẹp, độc đáo trong đám cưới truyền thống của đồng bào Dao Thanh Phán. Lễ đón dâu bao gồm nhiều lễ nhỏ quan trọng như kết duyên và lễ tơ hồng, lễ vào ma…cùng với nhiều nghi thức trang trọng khác.

Trong lễ đón dâu, đồng bào Dao quan niệm “đi lẻ về chẵn,” do đó đoàn đi đón dâu bên nhà trai chỉ là số lẻ có thể 5 hoặc 7 người, bao gồm một trưởng đoàn chính là thầy đón dâu, một thanh niên trẻ, chú rể và hai cô gái có nhiệm vụ phù dâu đều mặc trang phục của dân tộc mình.

Khi nhà trai sang bên nhà gái đón dâu, thầy cúng bên nhà gái thực hiện một lễ cúng, những lễ vật cúng này được nhà trai mang sang từ chiều hôm trước, gồm có hương hoa, rượu, xôi gà chín, thịt lợn, một túi gạo nhỏ trong đó đựng tiền xu được coi là của thầy thánh, cau trầu, một chai rượu, một chén nước và hai thẻ âm dương làm bằng tre.

Trước khi đón dâu ra cửa, ông trưởng đoàn của nhà trai sẽ dùng một chiếc khăn hoặc chén nước để biến hóa cho cô dâu, chú rể và hai cô gái đi cùng, với mục đích trên đường đưa dâu về, ma quỷ thánh thần không nhìn thấy họ, không bắt nạt cô dâu và không gây khó khăn gì cho cô dâu cũng như đoàn rước dâu. Đây cũng là một nghi lễ riêng chỉ có ở người Dao Thanh Phán.

Trong ngày cưới, cô dâu sẽ mặc trang phục của dân tộc mình, đó là một bộ đẹp và cầu kỳ nhất, điều quan trọng hơn bộ trang phục phải do chính cô dâu tự thêu cho mình trước khi đi lấy chồng. Nếu người con gái không tự thêu được thì bộ trang phục mà cô dâu mặc trong ngày cưới phải do mẹ, chị, cô, dì hay bác của cô dâu thêu cho.

Ngoài trang phục áo dài được thêu hoa văn cầu kỳ, về nhà trai, cô dâu còn có thêm chiếc khăn thêu hoa dài để buộc áo, chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ màu sặc sỡ. Trang phục của chú rể thì có phần đơn giản hơn, đó là chiếc áo truyền thống của dân tộc có thêu hoa văn đơn giản và đội thêm một chiếc mũ vải cũng thêu hoa văn. Trên đường đón dâu về, nếu gặp sông suối hoặc qua chùa chiền, ông trưởng đoàn phải chi một ít tiền lẻ để cô dâu không bị quấy rối.

Khi đoàn rước dâu về tới nhà trai, ngay ở cổng nhà trai sẽ có một đội thổi kèn mừng đón dâu về và mời nhà gái vào nhà. Đội kèn sẽ thổi cho tới khi nhà gái vào hết trong nhà. Lúc cô dâu chú rể bước vào cổng đại diện nhà trai sẽ có một người phụ nữ cao tuổi, người phụ nữ này phải là người có đông con cháu, gia đình khá giả, hạnh phúc đem chiếc khăn thêu hoa văn có rua bốn bên đội lên đầu cô dâu và dắt vào nhà.

Nếu gia đình nhà gái gần, cô dâu sẽ đội trước chiếc khăn, đến cổng nhà trai người phụ nữ bỏ chiếc khăn xuống và đội lại lên đầu cô dâu. Điều này mang ý nghĩa khi cô dâu về làm dâu cũng sẽ nhanh có nhiều con, nhiều của như người đỡ đầu của mình. Đây là một phong tục mang ý nghĩa nhân văn đẹp trong đám cưới của người Dao Thanh Phán.

Sau đó cả cô dâu, chú rể đứng lên chiếc chiếu, cũng đồng nghĩa là nghi lễ kết duyên bắt đầu. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao Thanh Phán có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên cùng người chồng của mình.

Trước khi làm lễ kết duyên, nhà trai chuẩn bị một mâm lễ cúng. Người dọn mâm lễ phải là người đàn ông ngoài họ thành đạt, đặc biệt trước đây người này được làm lễ tơ hồng trong đám cưới của mình. Với ý nghĩa ấy, việc soạn ra mâm lễ sẽ giúp chú rể dù không làm lễ tơ hồng cũng sẽ gặp nhiều may mắn về tiền tài và danh vọng.

Chiếc chiếu được ví như chiếc giường hạnh phúc của đôi uyên ương được thầy cúng dùng phép biến hóa cầu cho đôi trai gái kết duyên trăm năm hạnh phúc. Lúc này thầy cúng dùng phép xua đuổi tà ma và những gì không tốt đẹp của cả cô dâu, chú rể như ngày tháng năm sinh, vận hạn… chỉ để lại những điều tốt đẹp. Làm lễ xua đuổi tà ma xong, thầy cúng dùng phép biến hóa hai chén rượu trong mâm lễ thành hai chén rượu kết duyên để dành cho cô dâu và chú rể uống.

Điều tối kỵ trong lễ kết duyên là từ khi bước vào trong nhà, tuyệt đối cô dâu chú rể không được nói lời nào. Sau khi hóa xong hai chén rượu một người sẽ đem cho cô dâu chú rể uống, chứng tỏ cô dâu chú rể đã được kết duyên vợ chồng trăm năm hạnh phúc. Sau lễ kết duyên, người giúp việc sẽ dọn cỗ xuống chiếu, trưởng đoàn cùng họ nhà gái uống rượu và dặn dò chú rể cô dâu đoàn kết làm ăn thương yêu lẫn nhau. Ăn uống xong, để tiễn họ nhà gái, họ nhà trai sẽ cử một người hát một bài để chúc họ nhà gái đi về bình an, mong có được ngày tái ngộ.

Nét đẹp trong đám cưới truyền thống của người Dao Thanh Phán góp phần làm rực rỡ thêm cho văn hóa quê hương Bắc Giang , gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục