Nga cáo buộc Mỹ cố tình hủy hoại các hiệp ước kiểm soát vũ khí

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Mỹ đang cố tình làm suy yếu tất cả các thỏa thuận không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí.
Nga cáo buộc Mỹ cố tình hủy hoại các hiệp ước kiểm soát vũ khí ảnh 1Tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân Titan II của Mỹ. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/4 trước khi diễn ra phiên họp thứ ba của Ủy ban trù bị Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Mỹ đang cố tình làm suy yếu tất cả các thỏa thuận không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí.

Ông Ryabkov nhấn mạnh: "Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã làm suy yếu các nguyên tắc hợp tác bình đẳng đa phương để giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế cấp bách nhất, vốn đã được phát triển kỹ lưỡng trong nhiều năm và được duy trì cẩn thận. Trên thực tế, không có một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hoặc phổ biến vũ khí đa phương nào, mà Mỹ không tìm cách làm suy yếu hoặc rút khỏi."

Ông Ryabkov lưu ý rằng tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân nên diễn ra theo nguyên tắc đa phương và từng bước.

[Nga tuyên bố sẵn sàng cân nhắc đề xuất hiệp ước hạt nhân mới với Mỹ]

Quan chức Nga này nhấn mạnh: "Lập trường của chúng tôi là tiến trình giảm vũ khí hạt nhân có thể diễn ra từng bước và chỉ dựa trên nguyên tắc an ninh không thể chia tách và thống nhất. Điều cần thiết là biến quá trình giải trừ hạt nhân này trở thành cơ chế đa phương. Mọi hành động về vấn đề này nên dựa trên sự đồng thuận về lợi ích của tất cả các nước."

Mỹ đã ngừng thực hiện các cam kết trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kể từ tháng 2/2019. INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Sau quyết định của Mỹ, Nga cũng đã đình chỉ các nghĩa vụ của họ trong hiệp ước này. Các động thái của hai cường quốc quân sự làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.