Nga phản đối áp giá trần dầu mỏ và xem xét giảm sản lượng

Phía Nga cho rằng việc áp giá trần dầu mỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng, khi dẫn tới thâm hụt, tăng giá và người tiêu dùng sẽ là bên chịu thiệt hại.
Nga phản đối áp giá trần dầu mỏ và xem xét giảm sản lượng ảnh 1Đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 5/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ việc áp giá trần của phương Tây.

Theo hãng tin TASS của Nga, trong tuyên bố, Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh Nga phản đối các công cụ phi thị trường như vậy, cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng, khi dẫn tới thâm hụt, tăng giá và người tiêu dùng sẽ là bên chịu thiệt hại.

Ông nêu rõ Nga sẽ chỉ cung cấp dầu cho những bên ủng hộ cơ chế giá cả thị trường.

[Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về việc áp giá trần khí đốt]

Ngoài ra, ông khẳng định Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 trong ngắn hạn nếu các thủ tục cần thiết được thông qua.

Ngoài ra, sau quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), Phó Thủ tướng Novak nêu rõ Nga sẽ sản xuất khoảng 530 triệu tấn dầu thô và khí ngưng tụ trong năm 2022 và 490 triệu tấn vào năm 2030.

Ngày 2/9 vừa qua, các bộ trưởng tài chính Nhóm Các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Tuyên bố chung nêu rõ các bên cam kết khẩn trương hợp tác nhằm hoàn tất và tiến hành biện pháp này.

G7 đang hướng tới việc thiết lập một liên minh rộng lớn nhằm tối ưu hóa hiệu quả của biện pháp, đồng thời hối thúc tất cả các nước định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn.

Mức giá trần ban đầu sẽ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, tuyên bố không tiết lộ mức giá cụ thể là bao nhiêu.

Theo tuyên bố, G7 đặt mục tiêu triển khai biện pháp này theo cùng lộ trình với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.