Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 4/12 tuyên bố Nga sẽ không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần, ngay cả khi nước này phải cắt giảm sản lượng.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia mà sẽ làm việc với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải cắt giảm sản lượng một chút."
Ông tái khẳng định quan điểm của Nga không thay đổi khi cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là biện pháp không hiệu quả, mang tính phi thị trường, can thiệp vào thị trường và đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hiện, Chính phủ Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ trong điều kiện bị áp giá trần.
[Chuyên gia cảnh báo hậu quả của việc áp giá trần với dầu của Nga]
Ngày 3/12, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Trước đó một ngày, G7 và Australia cũng nhất trí mức giá trần nói trên, động thái được cho là nhằm hạn chế thu nhập của Nga từ dầu mỏ nhưng vẫn duy trì dòng chảy dầu của nước này trên thị trường toàn cầu.
Lệnh cấm vận nhằm vào dầu mỏ của Nga nói trên đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo đó, từ thời điểm này, EU sẽ không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga.
Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.
Ngoài ra, EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2/2023. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô./.