Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa ban hành văn bản hướng dẫn về việc cho vay vốn đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, hộ nghèo trên các địa bàn huyện nghèo được vay vốn ưu đãi lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện nay, lãi suất cho vay hộ nghèo là 0,65%/tháng), tức là 0,325%/tháng với mức tối đa là 10 triệu đồng/hộ khi vay vốn Ngân hàng Chính sách để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề.
Để hiểu rõ hơn những chính sách này đối với các hộ nghèo, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, Ngân hàng Chính sách Xã hội chuẩn bị nguồn vốn cho chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Lý: Chính phủ đã có Quyết định 2621 về việc cho vay hộ nghèo tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ - Nghị quyết 30a giải quyết cho các huyện nghèo trên 50% tầm nhìn đến năm 2020. Các huyện nghèo này ngoài thụ hưởng các chính sách hiện tại thì được thụ hưởng thêm một số chính sách đặc thù khác.
Trước đây các huyện nghèo này được vay một số chương trình với lãi suất bằng không, nhưng theo Quyết định 2621 bổ sung cho văn bản 30a trong đó về phần Ngân hàng Chính sách: các hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo 30a được vay chỉ bằng nửa lãi suất hộ nghèo các khu vực khác và không quá 3 năm để thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản và mở rộng ngành nghề.
Với chính sách này bổ sung thêm dự kiến ở 64 huyện nghèo sẽ có khoảng 300 nghìn trong tổng số 700 nghìn hộ thuộc diện hộ nghèo nằm trong chính sách này. Qua khảo sát, dự kiến nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng và được giải ngân đều trong vòng 2-3 năm, như vậy mỗi năm Ngân hàng sẽ giải ngân khoảng 500-600 tỷ đồng.
Hiện nay, Ngân hàng đang có nguồn vốn khoảng 43.000 tỷ đồng kèm theo khoảng 10.000 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo, tổng nguồn vốn gần 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hằng năm Ngân hàng Chính sách tăng trưởng khoảng 5-6% tương đương khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Như vậy, riêng đối tượng này luôn luôn được ưu tiên bố trí vốn đủ, nguồn vốn dành cho chương trình này không phải vấn đề nổi cộm được đặt ra, Ngân hàng Chính sách sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho vay của đối tượng này.
- Thưa ông, cơ sở nào để đưa ra mức cho vay tối đa 10 triệu đồng và trong vòng 3 năm?
Ông Nguyễn Văn Lý: Mức lãi suất này do Ngân hàng Chính sách cùng với các Bộ, ngành đã tính toán và đặt ra. Nếu cho vay không lãi suất như trước đây sẽ dễ gây tâm lý vay về mang gửi tiết kiệm, gây lãng phí vốn. Theo định hướng của Chính phủ và đoàn giám sát Quốc hội là trong tương lai sẽ giảm dần các chương trình cho không, tăng cường cho vay đầu tư để người dân có ý thức quen dần với tính toán làm ăn, hội nhập với kinh tế thị trường.
Theo tôi, những hộ nghèo ở 64 huyện nghèo đáng được hưởng hơn vậy để họ giữ đất giữ rừng tránh di dân gây bất ổn trong xã hội, nhưng do nguồn lực đáp ứng của Chính phủ có hạn. Trước đây cho vay 5 triệu đồng, lãi suất 0% trong vòng hai năm nhưng nay tăng lên 10 triệu đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo ở vùng khác (tức là 0,325%) trong vòng 3 năm, nhằm tạo sự ý thức nhắc nhở người dân sử dụng vốn đúng mục đích và tính toán làm ăn.
- Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Ngân hàng Chính sách từ đầu năm đến nay?
Ông Nguyễn Văn Lý: Điểm nổi bật nhất trong quý I/2014 của Ngân hàng là tăng trưởng tín dụng ở hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, trong khi tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành chậm thì tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Chính sách lại rất tốt. Hiện nay, nguồn vốn của ngành ngân hàng đang thừa, lãi suất cho vay giảm nhưng không tăng trưởng được là do “hấp thụ” yếu, điều này là do nhu cầu tiêu dùng yếu dẫn đến người sản xuất vay vốn về không biết sản xuất ra bán cho ai.
Ý thức được điều này ngay từ đầu năm chúng tôi đã đôn đốc các địa phương tập trung giải ngân, điều quan trọng là khi cho vay sớm thì người dân được hưởng sớm dẫn đến nguồn vốn của Ngân hàng sẽ thành dư nợ. Như vậy, người dân thì có nguồn vốn sớm để cải thiện cuộc sống, Ngân hàng thì thu được lãi, tự chủ được tài chính dẫn đến mọi hoạt động đi vào ổn định.
Thứ hai, việc huy động vốn của Ngân hàng Chính sách rất tốt, đặc biệt là qua kênh Trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện không cho vay được thì lại là điều thuận lợi để Ngân hàng Chính sách huy động vốn dễ, dẫn đến thêm nguồn vốn tốt để cho vay. Hiện nay, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách tăng trưởng chủ yếu trên cơ sở Chính phủ bảo lãnh cho phát hành trái phiếu.
Thứ ba, Ngân hàng Chính sách đã tập trung cao độ triển khai chương trình phần mềm Intellect - Corebanking tại các chi nhánh còn lại trong hệ thống. Năm 2013, chúng tôi đã triển khai thí điểm 2 đợt: Đợt 1 là 6 chi nhánh tỉnh, đợt 2 là 30 chi nhánh tỉnh và trong quý I/2014 chúng tôi triển khai các chi nhánh còn lại.
- Xin cảm ơn ông!