Ngành dệt may chịu tác động gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Các chuyên gia cho rằng, từ cuộc chiến thương mại, sẽ có cơ hội và thách thức đan xen đối với ngành dệt may. Trong năm 2018, Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều và chỉ có thể bị tác động từ năm 2019.
Ngành dệt may chịu tác động gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu kể từ đầu tháng 7/2018 và dự kiến còn nhiều diễn biến khó lường.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến sẽ có nhiều tác động đến thương mại toàn cầu bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều là những nước có tầm ảnh hưởng lớn đối với kinh tế thế giới.

[Hàng Việt chịu sức ép lớn hơn trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung]

Trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc là hai nước có trao đổi thương mại rất lớn với Việt Nam, do vậy khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến một số ngành và lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong đó có dệt may.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành (kiêm Người phát ngôn) Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đưa ra những nhận định của người trong cuộc để làm rõ thêm những cơ hội và thách thức của ngành dệt may may cả ở trước mắt và lâu dài.

- Ông nhận định những tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đối với ngành dệt may Việt Nam?


Ông Cao Hữu Hiếu:
Đây là câu chuyện còn cần nhiều thời gian để đánh giá và phân tích. Tuy nhiên, không những Việt Nam mà cả thế giới đều đang "nín thở" để theo dõi diễn biến của cuộc chiến thương mại này.

Phải thấy rằng, về vị trí địa lý, Việt Nam rất gần Trung Quốc, hơn nữa với độ mở kinh tế rất lớn thì Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu lan rộng và điều này cũng đang được các nhà phân tích theo dõi nhằm đưa ra dự báo và nhận định.

Trong gói 50 tỷ USD mà chính quyền Mỹ vừa đưa ra đối với Trung Quốc thì chưa có nội dung nào liên quan đến lĩnh vực dệt may. Còn gói 200 tỷ USD có hiệu lực vào cuối tháng 8 tới đây sẽ có các loại vải nhưng chưa phải là hàng may mặc.

Thực tế, khi gói 200 tỷ USD có hiệu lực, khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách để xuất khẩu các sản phẩm của họ sang các nước khác ngoài Mỹ. Đặc biệt họ có thể giảm giá thành sản xuất để bù vào mức giảm khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Phân tích từ thực tế đó, theo tôi, ở mức độ nào đấy, thì chiến tranh thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung chắc chắn cả cơ hội và thách thức đan xen đối với ngành dệt may và quan trọng là chúng ta có tận dụng được các cơ hội về thị trường hay không?

- Biểu đồ xuất khẩu dệt may vào một số thị trường 6 tháng đầu năm 2018:

- Trước tính hình hiện nay, phía Vinatex đã xây dựng kịch bản như thế nào để đối phó với các tình huống xảy ra cũng như giải pháp để tận dụng được các cơ hội nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Trong tháng Tám, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) sẽ họp với các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực này để phân tích, đánh giá sâu những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Còn theo đánh giá chủ quan, việc ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào sẽ còn cần thêm thời gian và chúng tôi sẽ xây dựng kịch bản để ứng phó đối với các tình huống xảy ra và việc đánh giá một cách cụ thể vẫn đang chờ những động thái từ phía Mỹ, xem mức độ của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đến đâu và những mặt hàng nào sẽ chịu tác động thực sự.

Trong danh sách 20 mặt hàng dệt may, Việt Nam có thể có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị tăng suất áp thuế nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam có 5 mặt hàng có thế mạnh như: vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE.

- Việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của ngành, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Hiện nay, Trung Quốc đang là nước mà Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu rất lớn về nguyên phụ liệu, trong đó có mặt hàng sợi. Nhiều nhà máy của Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này từ 70-80%.

Nếu như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan rộng và các mặt hàng có đầu tư từ vải, sợi thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.

Tuy vậy, theo đánh giá của chúng tôi, trong năm 2018, Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều và chỉ có thể bị tác động từ năm 2019.

Còn liên quan đến việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, trong tháng gần đây, giá sợi giảm khoảng 3.500-4.000 đồng, đây là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa bắt đầu.

Chắc chắn năm 2018 doanh nghiệp dệt may chưa bị ảnh hưởng và phải từ 2019 khi cuộc chiến này xảy ra, đặc biệt là gói 200 tỷ USD được chính quyền Mỹ áp dụng trong đó có các mặt hàng dệt, may (vải và sợi) mới ảnh hưởng tới ngành.

Do vậy, Vinatex sẽ xây dựng kịch bản để ứng phó với cuộc chiến này nhằm giảm thiểu tác động cũng như tận dụng được cơ hội từ cuộc chiến thương mại này.

Phải nói rằng, vấn đề gì cũng có hai mặt, nếu cuộc chiến lan rộng thì cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng về thị trường, do vậy khi tranh thủ được cơ hội này thì chúng ta sẽ tăng được thị phần và xuất khẩu.

Ngành dệt may chịu tác động gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 2Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành kiêm Người phát ngôn của Vinatex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Nhiều chuyên gia lo ngại về năng suất lao động của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, vậy ý kiến của ông như thế nào?

Ông Cao Hữu Hiếu: Theo tôi năng suất lao động của ngành dệt may Việt Nam không phải là thấp. Tuy nhiên, để đạt được doanh thu và lợi nhuận thì không có cách nào khác, doanh nghiệp trong ngành phải tiết kiệm cả chi phí và tăng năng suất, bên cạnh những yếu tố khác như đầu tư máy móc, tự động hóa...

Thời gian qua, ngoài việc sắp xếp lại bộ máy, dây chuyền sản xuất một cách hợp lý thì tập đoàn cũng đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động và cập nhật các phần mềm, giải pháp để hỗ trợ tối đa cho công tác thiết kế, giúp năng suất tăng nhanh.

Phải thấy rằng, phần lớn lao động dệt may là lao động phổ thông, do vậy vấn đề quan trọng là tập trung cho việc nâng cao ý thức kỷ luật của người lao động, nhất là tại các dự án đầu tư mới.

Hiện nay, May 10, Đức Giang, Hưng Yên, Việt Tiến… là các doanh nghiệp có năng suất lao động tốt nhất của tập đoàn, đây cũng có thể là nơi để các doanh nghiệp khác có thể trao đổi, học tập lẫn nhau.

Có thể thấy, các nước như Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Myanmar… là những đối thủ hiện nay trong khu vực của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, nhưng chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được, điều này thể hiện ở việc nhận các đơn hàng.

Bởi lẽ, ngoài vấn đề về giá cả thì còn ở năng suất lao động. Do năng suất lao động của chúng ta cao hơn thì với giá thành hiện nay chúng ta mới nhận được nhiều đơn hàng.

Nhưng cũng cần nhận thấy, áp lực hiện nay của ngành dệt may là lương và bảo hiểm, do vậy nếu không tăng được năng suất bù vào chi phí thì rõ ràng chúng ta sẽ giảm doanh thu và lợi nhuận.

- Xin cảm ơn ông./.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không còn là “đòn gió”. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.