Mặc dù chi tiêu của du khách quốc tế đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục, nhưng dữ liệu cho thấy du khách đang ngày càng tiết kiệm hơn, khiến các doanh nghiệp du lịch đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy” lợi nhuận thấp như thời kỳ trước đại dịch.
Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, chi tiêu của du khách nước ngoài trong quý 1 năm 2024 đạt khoảng 1.750 tỷ yen (tương đương 11,2 tỷ USD), tăng 73,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch COVID-19.
Tính cả năm, năm 2024 có thể sẽ vượt qua mức kỷ lục 5.300 tỷ yen được thiết lập vào năm 2023.
Tuy nhiên, dữ liệu về chi tiêu bình quân trên mỗi du khách lại cho thấy xu hướng sụt giảm, trong bối cảnh đồng yen đang yếu đi.
Du khách nước ngoài chi tiêu trung bình 234.524 yen vào năm 2022, 212.764 yen vào năm 2023 và 208.760 yen trong quý đầu năm 2024.
Trước đại dịch, chi tiêu bình quân trên mỗi du khách đạt đỉnh điểm là 176.167 yen vào năm 2015, trong thời kỳ bùng nổ hoạt động mua sắm của du khách Trung Quốc.
Mức ghi nhận trong quý 1 năm nay chỉ cao hơn khoảng 20% so với con số trên, dù đồng yen đã giảm giá đáng kể kể từ thời điểm đó.
Từ thời kỳ đỉnh điểm năm 2015 đến năm 2019, ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát, chi tiêu bình quân trên mỗi du khách đi ngang hoặc giảm xuống do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc du khách không còn hứng thú với việc mua sắm hàng hóa như trước, và mức độ hài lòng của du khách thấp hơn do tình trạng quá tải du lịch.
Trong bối cảnh đồng yen suy yếu, Nhật Bản đang trở thành điểm đến cho những du khách có ngân sách hạn hẹp. So sánh quý 1 năm 2023 với cùng kỳ năm 2019, chi tiêu cho chỗ ở tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm trên tổng chi tiêu.
Chi tiêu cho ăn uống tăng về số tiền nhưng chiếm tỷ trọng tương tự trong tổng chi tiêu. Trong khi đó, tỷ trọng chi tiêu cho mua sắm giảm xuống.
Chi tiêu cho giải trí và dịch vụ, vốn là một điểm yếu của du lịch Nhật Bản so với châu Âu và Mỹ, đang tăng về quy mô nhưng vẫn chiếm chưa đến 10% tổng chi tiêu.
Nói cách khác, du khách đang dành một phần đáng kể trong ngân sách của họ cho chỗ ở, mà không chi nhiều vào các hoạt động mua sắm và giải trí.
Du khách cũng đổ xô đến những địa điểm có thể tham quan miễn phí, ví dụ như các con đường cắt ngang đường sắt xuất hiện trong truyện tranh, các khu mua sắm và đền thờ ở Kyoto, và một cửa hàng tiện lợi gần núi Phú Sĩ, nơi đã trở thành điểm thu hút khách du lịch muốn chụp được bức ảnh hoàn hảo với ngọn núi nổi tiếng này.
Vào mùa Xuân năm 2023, rút ra bài học từ những tác động tiêu cực của cách tiếp cận "ưu tiên số lượng" như trước đây, Chính phủ Nhật Bản đã đề ra các mục tiêu du lịch không chỉ tập trung vào số lượng khách du lịch.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 bao gồm tổng chi tiêu đạt 5.000 tỷ yen, chi tiêu bình quân trên mỗi du khách đạt 200.000 yen và phân tán lượng khách du lịch đến các khu vực ít người biết đến hơn.
Nhờ một phần vào đồng yen yếu mà Nhật Bản đã đạt được một số mục tiêu quan trọng trước thời hạn. Nhưng nếu đồng yen mạnh lên, ngành du lịch nước này có thể chao đảo khi giá rẻ không còn là một chiến lược thu hút du khách./.
Du lịch Nhật Bản tiếp tục khởi sắc trong tháng thứ hai liên tiếp
Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), số lượng du khách nước ngoài đến với “xứ sở hoa anh đào” đã đạt 3,04 triệu người vào tháng 4.