Ngành foodtech “nở rộ” tại Mỹ Latinh trong thời đại dịch

Chỉ trong vòng 10 năm, ngành công nghệ thực phẩm, hay foodtech, đã tạo ra 29.000 việc làm trực tiếp và thu hút 1,7 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm tại các quốc gia Mỹ Latinh.
Ngành foodtech “nở rộ” tại Mỹ Latinh trong thời đại dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: labsnews.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, một nghiên cứu mới đây do Endeavour và Pepsico thực hiện cho thấy do đại dịch COVID-19, ngành công nghệ thực phẩm, hay foodtech, đã đạt được chỗ đứng ở Mỹ Latinh, bằng chứng là nhu cầu đối với dịch vụ giao hàng tạp hóa và đồ ăn trực tuyến đã tăng vọt.

Theo nghiên cứu “Toàn cảnh ngành công nghệ thực phẩm ở Mỹ Latinh,” Brazil, Chile, Colombia và Mexico là những cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực này. Chỉ trong vòng 10 năm, ngành foodtech đã tạo ra 29.000 việc làm trực tiếp và thu hút 1,7 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm tại các quốc gia này.

Nghiên cứu của Endeavour và Pepsico nhận định: "Công nghệ đang định hình lại các hệ thống thực phẩm trên toàn thế giới để đáp ứng hiệu quả và bền vững nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trong những thập kỷ tới và sở thích của người tiêu dùng thay đổi do đại dịch COVID-19."

[Liên minh châu Âu cấm sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm]

Các doanh nghiệp foodtech có trụ sở tại Mỹ Latinh ưu tiên mở rộng hoạt động nhất ở Mỹ, tiếp đến là Mexico, Brazil và Argentina. Riêng tại Mexico, nghiên cứu ghi nhận 68 doanh nghiệp foodtech đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Ở quốc gia này, các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên hoặc tốt cho sức khỏe chiếm thị phần lớn nhất và tạo ra hơn 5.800 việc làm trực tiếp. Gần 50% các doanh nghiệp đã tiếp cận các nguồn tài chính và huy động được 271 triệu USD vốn đầu tư trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Đáng chú ý, 21% doanh nghiệp Mexico đã mở rộng hoạt động tại thị trường quốc tế.

Trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, các hạng mục hậu cần và quản lý dữ liệu, bán hàng, vận chuyển và phân phối có tỷ lệ startup mở rộng thành công và thuê hơn 50 nhân viên cao nhất. Đây cũng là các doanh nghiệp đạt doanh số và tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất.

Trong số các dự án foodtech hoạt động dưới 10 năm, 24% đã mở rộng thành công và tạo ra từ 50 việc làm trực tiếp trở lên. Các doanh nghiệp trên chiếm 83% tổng số việc làm trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.