Ngành dịch vụ ngành giải trí và văn hóa của Hàn Quốc tiếp tục "ăn nên làm ra" khi đã đạt thặng dư 42,7 triệu USD trong tháng Tám, mức cao nhất kể từ sau mức thặng dư kỷ lục 55 triệu USD hồi tháng 4 năm ngoái.
Ngày 13/10, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết mức tăng này chủ yếu nhờ nguồn thu dịch vụ ngành giải trí và văn hóa từ nước ngoài trong tháng Tám đạt 81,8 triệu USD, mức cao nhất sau mức 95,9 triệu USD hồi tháng 6/2016.
Trong khi đó, chi trả ở lĩnh vực này là 39,1 triệu USD, tăng so với mức 25,6 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng nguồn thu.
Cán cân dịch vụ ngành giải trí và văn hóa là một hạng mục trong cán cân quốc tế, thể hiện sự chênh lệch giữa các khoản tiền thu được từ nước ngoài và khoản tiền chi trả trong nước liên quan tới sản xuất điện ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình hoặc y tế, giáo dục.
[Ban nhạc BTS của Hàn Quốc lần đầu tiên giành giải thưởng âm nhạc Mỹ]
Các khoản liên quan tới y tế, giáo dục chỉ chiếm một phần nhỏ, nên cán cân này còn được gọi là “cán cân làn sóng văn hóa Hallyu.”
Dịch vụ giải trí và văn hóa trong 8 tháng đầu năm nay của Hàn Quốc đạt thặng dư lũy kế là 235 triệu USD, tăng so với năm ngoái, và bằng 63% mức thặng dư kỷ lục trước đó là 372,3 triệu USD trong tám tháng đầu năm 2016.
Một quan chức BOK cho biết dịch vụ ngành giải trí và văn hóa đang có chiều hướng tăng trưởng khả quan.
Kết quả này được cho một phần là do Chính phủ Trung Quốc giảm nhẹ các lệnh cấm liên quan đến làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại nước này nhằm trả đũa việc Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), và một phần là lợi nhuận từ phát hành đĩa, các buổi biểu diễn âm nhạc K-POP gia tăng.
Ở lý do thứ hai phải kể tới vai trò không nhỏ của nhóm nhạc BTS đang "làm mưa làm gió" làng âm nhạc trẻ thế giới./.