Tại hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp chiều 28/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh rừng không còn không gian phát triển, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải tập trung nâng cao chất lượng rừng.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngành lâm nghiệp cần thêm các bộ giống cây lâm nghiệp chủ lực bên cạnh cây keo hiện vẫn là chủ lực để nâng cao chất lượng rừng, gỗ nguyên liệu. Ngay cả cây keo cũng cần cải tiến giống để cây có gỗ cao to hơn, có thể làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu chứ không chỉ cho chế biến dăm, giấy...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao kết quả ngành đạt được trong năm 2021 - năm rất khó khăn vì dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kỷ lục mới. Đặc biệt là những nỗ lực của các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt vượt khó khăn thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Về bảo vệ rừng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, đây là vấn đề không được chủ quan; là việc ngành phải thường xuyên, chủ động nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các địa phương, đơn vị để quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó là gắn với việc quản lý chuyển mục đích sử dụng rừng sao cho chặt chẽ, không có sai sót.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2021 các chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cả nước đã trồng 277.830 ha rừng, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán 98,96 triệu cây, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020.
[Các giải pháp tốt giúp xuất khẩu lâm sản năm 2021 tăng 20%]
Năm 2021, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020. Về phá rừng, cả nước đã phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 411 vụ, tương ứng giảm 13% so với cùng kỳ; diện tích thiệt hại 852 ha, giảm 6% (56 ha) so với cùng kỳ.
Về cháy rừng, đã phát hiện 196 vụ, giảm 5 vụ tương ứng giảm 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, diện tích thiệt hại 1.229 ha, tăng 527 ha tương ứng 75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích thiệt hại do cháy rừng tăng là do dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại một số tỉnh nên khi cháy rừng xảy ra không huy động lực lượng chữa cháy kịp thời do phải thực hiện giãn cách xã hội như Thừa Thiên Huế, Gia Lai... dẫn đến diện tích cháy rừng bị thiệt hại do cháy tăng cao.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20 % so với kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Để phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu ban hành kịp thời thông tin về dự báo khí tượng thủy văn và khuyến cáo mùa vụ trồng rừng hàng quý; tổ chức các đợt kiểm tra, đôn đốc đơn vị, địa phương quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và triển khai kế hoạch phát triển rừng năm 2021. Riêng đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương.
Hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ với diện tích, cơ cấu đáp ứng cơ bản yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, chống xói mòn đất đai, sa mạc hóa và giảm nhẹ thiên tai; đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ.
Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay là 314.205 ha. Trong số đó, diện tích cấp theo chứng chỉ FSC là 258.526 ha; cấp theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC là 55.679 ha. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, có 67.000 ha được cấp chứng chỉ.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Cả nước sẽ trồng 230.000ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán; khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Ngành đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16 tỷ USD.
Để thực hiện những mục tiêu trên, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp; trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm.
Tổng cục tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Ngành lâm nghiệp tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng./.