Mặc dù những tháng đầu năm 2014, kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, nhưng điều này chưa giúp cải thiện những khó khăn của ngành thép, đặc biệt là việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, việc tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy ngành thép phát triển đang rất được quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc trao đổi với ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).
- Theo ông đâu là nút thắt chính trong những khó khăn của ngành thép hiện nay và câu chuyện thép giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam ảnh hưởng đến ngành thép như thế nào?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Có thể nói, khó khăn của ngành thép có đặc thù riêng của một ngành kinh tế kỹ thuật, nhưng lại nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước và đặc biệt có liên quan đến nhiều ngành kinh tế kỹ thuật sử dụng đến thép.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như sự đóng băng của thị trường bất động sản, sự phát triển chậm của thị trường xây dựng và ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu những ngành sử dụng nhiều thép.
Cùng với đó là sự tăng trưởng thấp trong phát triển kết cấu hạ tầng. Nói tóm lại, nút thắt chính nằm ở vấn đề mất cân đối lớn của thị trường, giữa quan hệ cung và cầu đối với ngành thép.
Về câu chuyện thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, tôi khẳng định đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà thực chất diễn ra rất gay gắt tại thị trường các nước Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm 48% sản lượng thép của thế giới.
Năm 2013, theo thống kê, Trung Quốc sản xuất khoảng 780 triệu tấn trên năng lực sản xuất là 1,3 tỷ tấn.
Như vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự mất cân đối giữa cung và cầu tại thị trường nội địa, từ đó phải tìm cách xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước khu vực, trong đó có Việt Nam là nước nằm ngay cạnh rất thuận lợi cho việc vận chuyển.
Đây chính là chính sách chung của Trung Quốc trong việc xuất khẩu thép sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Để thâm nhập vào các nước trong khu vực ASEAN, thép Trung Quốc sẽ hạ giá đủ để cạnh tranh với thép nội địa của các nước trong khu vực.
Trở lại câu chuyện thép trong nước, chúng ta có thể khẳng định, giá thành của các doanh nghiệp thép trong nước hiện tại cũng khá cạnh tranh và không cao. Thực tế các doanh nghiệp thép của chúng ta đã đầu tư và hiện đại hóa trang thiết bị để sản xuất những sản phẩm có giá thành cạnh tranh được với thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Đối với thép Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam cũng có một số biểu hiện gian lận về thương mại mà VSA cùng các doanh nghiệp thép đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này.
- Thống kê của Viện Gang thép Đông Nam Á cho thấy Việt Nam hiện là nước có các dự án thép mới lớn nhất trong khu vực ASEAN với hơn 30 dự án. Vậy có nghịch lý khi thị trường thép đã bão hòa mà các nhà đầu tư vẫn đổ nguồn vốn vào một thị trường này, thưa ông?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Thực tế là các dự án thép đang được đầu tư hiện nay đã khởi động từ 5-7 năm trước đây. Để làm một dự án thép ở quy mô trung bình từ khâu chuẩn bị, xây dựng đến khi sản xuất ra sản phẩm thép phải mất trên 5 năm.
Tại thời điểm cách đây 7 năm, thị trường thép đang phát triển tốt, có năm tăng trưởng trên 30%, đó là một thị trường kỳ vọng cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam cũng đã kéo theo thị trường thép đi xuống. Điều này hoàn toàn bất ngờ ngoài dự đoán của các nhà đầu tư.
Câu chuyện trên cũng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Như vậy, những dự án đang được triển khai phải tiếp tục thực hiện không còn lựa chọn khác.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là các nhà đầu tư nhận định những khó khăn hiện tại là tạm thời còn tương lai thị trường thép vẫn còn nhiều kỳ vọng.
Hiện tại, mức tiêu thụ thép tính trên đầu người của Việt Nam mới chỉ là 140 kg/đầu người so với mức bình quân của thế giới là 240kg/đầu người, và một nước trong khu vực ASEAN là Thái Lan có mức tiêu thụ bình quân thép là 270 kg/đầu người.
Như vậy, theo tính toán mức tiêu thụ thép của Việt Nam vẫn ở mức thấp, do đó các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường thép trong tương lai của Việt Nam.
Mặt khác, các nhà đầu tư cũng lựa chọn những sản phẩm thép mà hiện tại ở Việt Nam chưa có như sản phẩm thép dẹt, phôi thép… Riêng sản phẩm thép dẹt hiện nay mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ 5-7 triệu tấn.
- Để giải quyết những khó khăn của ngành thép hiệp nay, VSA đã có những khuyến nghị gì cho doanh nghiệp và kiến nghị gì cho Chính phủ, thưa ông?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Trong khó khăn chung của ngành thép vẫn có nhiều doanh nghiệp thép vươn lên hoạt động rất tốt như Tôn Hoa Sen, Liên doanh thép Việt-Úc, Việt-Nhật, thép Hòa Phát…
Đây chính là những doanh nghiệp đã đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Bài học cho các doanh nghiệp thép hiện nay là cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hiệp hội thép đã có kiến nghị quan trọng là Chính phủ phải tạo ra được thị trường cho thép bằng cách phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, thị trường cơ khí chế tạo sử dụng nhiều thép. Khi Chính phủ thực hiện thành công những giải pháp này chính là tạo ra cơ hội tốt cho thị trường thép phát triển.
Một vấn đề khác quan trọng khác là cần tập trung quản lý phát triển ngành thép theo đúng quy hoạch, đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch; trong đó lưu ý tới sự phối hợp tốt với các địa phương để thực hiện các danh mục dự án cho phù hợp.
Vấn đề vô cùng quan trọng nữa là trong xu thế hội nhập vẫn cần có những giải pháp về hàng rào kỹ thuật hợp pháp, hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước và khuyến khích sản xuất chống gian lận thương mại trong quan hệ mua bán đối với các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó tạo ra sự lành mạnh cho thị trường thép, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông !