Ngày 19/3, tại Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm truyền thống và 10 năm thành lập Viện (19/3).
Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển Phạm Hùng Tung phát biểu nhấn mạnh, 25 năm trước đây, sự ra đời của Trung tâm phối hợp nghiên cứu Việt Nam tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nói riêng và sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam học với tính cách một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng cả ở trong nước và trên thế giới.
Theo đà đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, ngành Việt Nam học ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Việc Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển vào ngày 19/3/2004 đã thực sự trở thành dấu mốc lớn ghi nhận bước trưởng thành và mở ra những điều kiện thuận lợi hơn cho ngành Việt Nam học.
Viện trưởng Phạm Hùng Tung nói: “Trong 10 năm qua, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã không ngừng phấn đấu để thực sự trở thành một đầu mối tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế liên ngành, liên lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ các đơn vị trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội và phát huy tốt hơn thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội.”
Trong công tác đào tạo, Viện tập trung đào tạo tiếng Việt các các học giả, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh nước ngoài đến Việt Nam học tập và nghiên cứu. Viện tổ chức nhiều lớp đào tạo ngắn hạn cho các nhà khoa học và sinh viên nước ngoài về những nội dung cụ thể, chuyên sâu, liên quan đến lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, kinh tế… của Việt Nam.
Thông qua những hoạt động trên, một thế hệ nhà Việt Nam học mới đã hình thành hiện đang đóng vai trò chủ chốt tại các trung tâm nghiên cứu Việt Nam trên khắp thế giới nhất là ở Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc… Hiện nay, Viện đã đào tạo được trên 200 thạc sỹ, trong đó có gần 30 học viên người nước ngoài; hai khóa đầu tuyển sinh tiến sỹ của Viện đã có những thành công bước đầu…
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên ngành lớn, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng.
Nhiều nghiên cứu đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc như các nghiên cứu về cùng Nam bộ, về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là về biển đảo; trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, về đổi mới hệ thống chính trị, về quản lý nông thôn đô thị; các nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học để khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hội An, thành Cổ Loa, thành nhà Hồ… được công nhận là di sản văn hóa thế giới hoặc di sản văn hóa quốc gia.
Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học phát triển cho biết, trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục đóng vai trò làm đầu mối tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên ngành, liên lĩnh vực, phát huy cao độ lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ đỉnh cao, có chất lượng đạt chuẩn quốc tế và có tính ứng dụng cao.
Viện đi tiên phong trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản chất lượng cao của lĩnh vực Việt Nam học và khoa học phát triển dựa trên nguyên lý và cách tiếp cận của khu vực học.
Bên cạnh chủ trì và tham gia tổ chức triển khai các nghiên cứu chuyên sau về một số lĩnh vực như sử học, ngôn ngữ học, địa lý nhân văn và môi trường sinh thái, Viện tiếp tục hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các trung tâm Việt Nam học trên thế giới, mở rộng quan hệ với một số đối tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học phát triển và một số lĩnh vực liên quan, nhằm đưa Viện trở thành đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế, đối tác học thuật đồng đẳng, là địa chỉ tin cậy và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới./.