Ngày đầu Chùa Hương chính thức mở cửa trở lại, du khách không quá đông

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn cho biết lượng khách tăng nhẹ so với các ngày hoạt động thử nghiệm, đạt 5.000 khách.
Ngày đầu Chùa Hương chính thức mở cửa trở lại, du khách không quá đông ảnh 1Du khách đi lễ chùa Hương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 16/2, Khu Di tích-Thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) chính thức mở cửa đón khách tham quan, lễ Phật sau thời gian dài tạm đóng cửa do dịch bệnh; tuy nhiên du khách cũng không quá đông như ngày mở cửa các năm trước.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn cho biết lượng du khách tăng nhẹ so với các ngày hoạt động thử nghiệm, đạt 5.000 khách.

Bến đò suối Yến không còn cảnh đông khách, chờ đợi lâu như các mùa lễ hội trước đó. Trên dòng suối Yến, lượng đò qua lại cũng không quá tấp nập. Các điểm tâm linh như đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích… hay tại khu vực ga cáp treo, không có cảnh chen lấn, đông đúc. Người đi lễ Phật được tận hưởng cảm giác thư thái, thanh tịnh, yên bình hơn.

Trong khu vực chùa Hương, các điểm kinh doanh dịch vụ được quản lý chặt chẽ, hàng quán sắp xếp gọn gàng, không có hiện tượng đổi tiền lẻ. Các tuyến đường dẫn đến các điểm tâm linh sạch sẽ, không có rác thải xả bừa bãi. Khu vực nội tự các đền, chùa thực hiện tốt văn minh nơi thờ tự.

[Hà Nội: Chùa Hương đủ điều kiện đón du khách an toàn từ ngày 16/2]

Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, lễ Phật, Ban Quản lý Khu Di tích-Thắng cảnh Hương Sơn tăng cường tuyên truyền việc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế, bố trí các cụm pano, băngrôn, khẩu hiệu để du khách có thông tin cần thiết về khu di tích và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tại các điểm có nguy cơ tập trung đông người, lực lượng chức năng thường xuyên sử dụng loa để nhắc nhở. Huyện Mỹ Đức lập 8 chốt kiểm soát dịch ở các lối ra vào Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, yêu cầu người dân khai báo y tế, khử khuẩn tay và xử lý các trường hợp phát sinh.

Ngoài ra, hai Trạm Y tế lưu động đã được thiết lập ở Trạm Y tế xã Hương Sơn và khu bến chờ (điểm soát vé tham quan), khi phát hiện du khách có biểu hiện ho, sốt, các triệu chứng nghi mắc COVID-19... sẽ kịp thời đưa đến điểm cách ly và xử lý theo quy định của Bộ Y tế; phản ứng nhanh, chủ động với các trường hợp nghi mắc COVID-19, giúp chủ động trong dập dịch và không để dịch lây lan diện rộng.

Trước đó, Khu Di tích-Thắng cảnh Hương Sơn đã thử nghiệm đón khách tham quan, lễ Phật để khắc phục bất cập khi bắt đầu đón khách chính thức tại chùa Hương. Số lượng khách không quá đông, du khách về di tích tham quan, chiêm bái cơ bản đều chấp hành tốt các yêu cầu về phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.