Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Hội ngộ Di sản văn hóa ba miền

Trên 500 di vật, hình ảnh, các bộ sưu tập hiện vật độc đáo, tiêu biểu của 3 nền văn hóa khảo cổ học thời cổ đại: Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Óc Eo được giới thiệu công chúng.

<

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Hội ngộ Di sản văn hóa ba miền ảnh 1Bộ sưu tập khuôn đúc trang sức, bảo vật quốc gia đầu tiên của Cần Thơ lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN) 

Sáng 22/11, Trưng bày chuyên đề “Hội ngộ Di sản Văn hóa ba miền” đã đã được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Sự kiện do Bảo tàng An Giang phối hợp Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài tỉnh An Giang tổ chức.

Trưng bày chuyên đề được tổ chức với quy mô trên 500 di vật, hình ảnh và các bộ sưu tập hiện vật độc đáo, tiêu biểu của ba nền văn hóa khảo cổ học ở Việt Nam thời cổ đại gồm: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Óc Eo.

Đặc biệt, tại trưng bày lần này, Ban Tổ chức giới thiệu 4 bảo vật quốc gia gồm: Bệ thờ Linga-Yoni là hiện vật cực kỳ quý hiếm của Vương quốc Phù Nam xưa được tìm thấy ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa cổ xưa.

Bảo vật quốc gia tượng thần Brahma là hiện vật độc bản duy nhất được tìm thấy tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Hội ngộ Di sản văn hóa ba miền ảnh 2Các hiện vật của bộ sưu tập thuộc Văn hoá Sa Huỳnh. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tượng thần Brahma chỉ còn lại phần đầu, chất liệu bằng đá sa thạch, niên đại thế kỷ thứ 5, với chiều cao 37,5cm, rộng vai 22,9cm, được định giá 2 triệu USD.

Bảo vật quốc gia bộ sưu tập khuôn đúc trang sức là hiện vật đầu tiên của Cần Thơ thuộc dòng văn hóa Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bảy.

Đây là bộ khuôn đúc dùng để chế tác trang sức như: khuyên tai, hình mặt trời, dây chuyền… có giá trị kỹ thuật và thẩm mỹ khá cao được khai quật tại địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành, huyện Phong Điền, Cần Thơ.

Bảo vật quốc gia tượng thần Vishnu Vũng Liêm, có niên đại thế kỷ thứ 6-7, thuộc nền văn hóa Óc Eo, cao 102cm, thân cao 72cm, đế 33cm x17 x 4cm, nặng 41 kg; hiện vật được phát hiện dưới lòng đất xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long ngày 12/7/2002.

[[Photo] Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019]

Đây là hiện vật gốc, độc bản là tác phẩm điêu khắc cổ, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang Bùi Thị Thúy cho biết: Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời với những nền văn hóa cổ xưa trải khắp cả ba miền Bắc-Trung-Nam.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Hội ngộ Di sản văn hóa ba miền ảnh 3Các hiện vật của bộ sưu tập thuộc Văn hoá Óc Eo. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Đặc biệt giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên có ba nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu như Văn hóa Đông Sơn đại diện khu vực miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Óc Eo ở miền Nam, đã từng phát triển rực rỡ, có trình độ kỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc, điêu luyện, độc đáo và đặc trưng về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

“Mỗi tư liệu, hiện vật tại trưng bày sẽ mang đến cho khách tham quan thông điệp của từng thời đại, thể hiện không chỉ bằng sự phát triển mà còn có cả trình độ kỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc, điêu luyện đặc trưng về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ trên lãnh thổ Việt Nam, có niên đại từ cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỷ 7 sau công nguyên," Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang cho biết.

Trưng bày “Hội ngộ Di sản Văn hóa ba miền” sẽ diễn ra trong suốt 3 tháng từ ngày 22/11/2019 đến 22/02/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục